Người dân mong muốn sớm xử lý tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà
Tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà đoạn chảy qua xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm mét đê bối và uy hiếp tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân sống ven bờ.
Tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà đoạn chảy qua xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến hàng chục ha đất bãi, rau màu của người dân bị nước cuốn trôi.
Nguy hiểm hơn, sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm mét đê bối và uy hiếp tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân sống ven bờ.
Người dân nơi đây kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, nhằm sớm ổn định cuộc sống
Kè trên, sạt dưới
Tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng diễn ra ở khu 12, 13 và 14 xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.
Sau khi các cơ quan chức năng liên quan tại xã Dân Quyền kiểm tra thực tế, đầu tháng 2/2023, tỉnh Phú Thọ đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm phương án xử lý và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Tỉnh giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý, triển khai dự án khẩn cấp “Xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ vở sông đoạn tương ứng từ km31+200 - km31+650 đê tả sông Đà, thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.”
Kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, Quỹ Phòng, chống thiên tại tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2023.
[Sạt lở bờ sông Cần Thơ vào nửa đêm, 7 căn nhà bị ảnh hưởng]
Ông Nguyễn Văn Quế (người dân khu 12, xã Dân Quyền) chia sẻ khu 12 đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn chỉ cách nhà dân khoảng hơn chục mét. Trước sự việc trên, đầu năm 2023, tỉnh đã cho kè dọc bờ sông thuộc khu 12. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở lại tiếp tục diễn ra ở khu 13, kéo dài đến chân cầu Trung Hà. Nhiều đoạn sạt lở chỉ còn cách đê bối Hồng Đà chừng hơn 10 mét và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo bà Nguyễn Thị Phát (khu 13), khu vực bờ sông phía trên được kè khẩn cấp nên dòng chảy đổi hướng, xoáy vào khu vực bờ sông. Tình trạng này nếu kéo dài hoặc chỉ 2-3 trận mưa to, nguy cơ sẽ sạt lở vào nhà dân. Trước đây, từ nhà bà nhìn ra phía sông còn khoảng gần 100 mét đất bãi, được người dân trồng hoa màu để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở những ngày qua diễn ra khá mạnh. Hiện bờ sông chỉ cách nhà bà chừng 13 mét và cách đê bối khoảng 10 mét. Người dân nơi đây mong muốn, chính quyền sớm có biện pháp xử lý để họ yên tâm sản xuất.
Bà Lê Hương Ly (Trưởng khu 13, xã Dân Quyền) cho biết đoạn tiếp giáp kè ở khu 12 qua khu 13 đến chân cầu Trung Hà có chiều dài khoảng trên 600 mét. Tình trạng sạt lở bờ sông đã cuốn trôi nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân. Sạt lở đã ăn sâu vào đất liền 70-80 mét, chỉ còn cách đê bối địa phương chừng hơn 10 mét, cách nhà ở của gia đình ông bà Nguyễn Hồng Sỹ 14 mét, đe dọa đời sống của 150 hộ dân đang sinh sống xung quanh.
Vì vậy, điều quan tâm nhất hiện nay của người dân là mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét xử lý, sớm xây dựng kè nhằm giải quyết tình trạng sạt lở nghiêm trọng, để họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Đào Tiến Lực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dân Quyền, cho hay trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng đang diễn ra trên địa bàn. Từ đầu năm nay, xã đã kiểm tra tình hình thực tế và đã có văn bản báo cáo với các cơ quan cấp trên từ tỉnh đến huyện.
Đầu tháng 2/2023, tỉnh đã làm kè khẩn cấp với chiều dài 450 mét ở khu 12. Tuy nhiên, sau đoạn đã kè, đoạn cuối tiếp tục sạt lở uy hiếp đến tính mạng và tài sản của 150 hộ dân trong khu; ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ tuyến đê bối với chiều dài hơn 600 mét.
Về phương án xử lý, trước mắt, xã đã chỉ đạo khu dân cư, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cắm biển cảnh giới về sạt lở nguy hiểm và có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có phương án xử lý.
Tìm phương án xử lý khẩn cấp
Theo ông Đào Tiến Lực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dân Quyền, tình trạng sạt lở xảy ra từ đầu năm 2023. Nguyên nhân được xác định là hiện toàn bộ hướng dòng chảy của sông Đà bên hạ lưu phía Ba Vì (Hà Nội) đã được kè kiên cố nên dòng chảy đã xoáy sang toàn bộ chân đê của xã Dân Quyền gây ra tình trang sạt lở bờ vở sông khiến nhiều diện tích bãi bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chân đê bối ở khu 13, 14 của xã.
Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông đã kiểm tra thực tế tại hiện trường. Ghi nhận sáng 8/5, hiện diện tích đất bãi bờ sông Đà đoạn km31+650 đến km32+250, từ cống tiêu nước dân sinh sau Nhà Văn hóa khu 13 (tiếp giáp khu vực đơn vị đang thi công kè) đến chân cầu Trung Hà, với chiều dài khoảng 600 mét, vẫn tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu không được khắc phục kè chống sạt lở kịp thời, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 150 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.
Huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo kiểm tra; đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét xử lý sự cố sạt lở trên nhằm đảm bảo an toàn công trình đê điều và 150 hộ dân đang sinh sống tại khu vực lân cận.
Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ, cho biết đơn vị đã tham mưu tỉnh cho phép xử lý khẩn cấp khoảng 500 mét chiều dài của bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đối với khu dân cư. Tuy nhiên, đoạn bờ sông khoảng 150-200 mét nối tiếp với đoạn đã xử lý (khu 12) vẫn có hiện tượng sạt lở. Sở tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép xử lý khẩn cấp những đoạn đã và đang bị sạt lở mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết thêm, dòng chảy sông Đà thay đổi thường xuyên. Từ khoảng cuối năm 2022, phía bờ hữu Ba Vì của thành phố Hà Nội có hình thành bãi bồi đẩy dòng chính sang bên Phú Thọ. Bên cạnh đó, một phần do hoạt động xả nước của hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước sông lên xuống thất thường. Đặc biệt, địa chất của khu vực này chủ yếu là cát và pha cát, khi có dao động mực nước lớn sẽ gây ra hiện tượng sạt lở.
Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với huyện Tam Nông và chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân; báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời nếu trường hợp xấu xảy ra./.