Ngời sáng tinh thần Hà Nội của các chiến sỹ Trường Sơn năm xưa

Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người con Hà Nội gác bút nghiên, tạm dừng công việc hành quân vào chiến trường, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn.

Những chiến sỹ Trường Sơn năm xưa gặp lại đồng đội trong Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN)

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những mái đầu đã pha sương, những khuôn mặt đã hằn vết nhăn, nhưng nhắc lại những ngày tháng chiến đấu gian nan mà hào hùng nơi tuyến đường Hồ Chí Minh năm xưa, các chiến sỹ bộ đội Trường Sơn tại Hà Nội lại bừng lên khí thế.

Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là dịp để các chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng gắn bó với con đường huyền thoại này trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cùng ôn lại kỷ niệm, kể cho nhau nghe những buồn vui trong chiến đấu và những trang sách đẹp khi trở về với cuộc sống đời thường.

Tinh thần Hà Nội trong mưa bom, lửa đạn

Trong cuộc chiến đấu khốc liệt với đế quốc Mỹ, đường Trường Sơn với sứ mệnh cao cả là chi viện cho chiến trường miền Nam vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm, chuyển quân… và địa hình cũng vô cùng khó khăn khi được mở sang Tây Trường Sơn, đi qua đất bạn Lào với những nguy hiểm, gian nan từ rừng thiêng nước độc.

Với hơn 17.000km đường ôtô, 3.140km đường kín vươn đến các chiến trường miền Nam, đường Trường Sơn là sự thách thức đối với sự quả cảm, kiên cường của bất kỳ ai khi tham gia chiến đấu tại nơi này.

Nhưng cũng như hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến khác, những người con Hà Nội gác bút nghiên, tạm dừng công việc nơi đô thành cùng hành quân vào chiến trường, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn với khí thế sục sôi cho chiến thắng.

Nhiệt huyết dường như vẫn căng tràn trên khuôn mặt, bà Ngô Thị Tuyết, nguyên chiến sỹ của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây (cũ), hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội sôi nổi kể về những ngày tham gia chiến đấu oanh liệt tại tuyến đường Trường Sơn.

Bà cũng tự hào khi mình được ghi danh vào Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây (cũ) vào tháng 5/1971. Đây là Tiểu đoàn nữ đầu tiên của cả nước mang tên người anh hùng Trưng Trắc và cũng là Tiểu đoàn nữ đầu tiên được chi viện cho chiến trường. Trong khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” cô gái của miền văn hóa xứ Đoài với thân hình mảnh dẻ nhưng không quản ngại khó khăn, ngày đêm miệt mài với công việc giao liên dẫn đường cho bộ đội vào tuyến trong, đưa thương, bệnh binh và người dân từ miền Nam ra tuyến ngoài.

Tham gia ở Tiểu đoàn 8, nhiệm vụ của chiến sỹ giao liên khi đó là giao liên bộ ở đường 559, mỗi ngày đi 8 giờ đồng hồ đường rừng nhưng cô giao liên Ngô Thị Tuyết quên cả mệt mỏi. Lúc thì làm giao liên, khi thì cô tăng cường chăm sóc thương binh cho trạm xá và cả phát rừng, trồng rau, vào rừng hái măng, gia tăng rau xanh cho bộ đội. Sau này, cô được phân công về Trung đoàn 572 giao liên cơ giới.

Bà Ngô Thị Tuyết (giữa) gặp lại đồng đội năm xưa trong Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Thường xuyên hứng những trận pháo sáng trên đầu, những tiếng bom đạn hay cả những trận mưa rừng, vắt rừng nhưng chưa khi nào cô nản chí. Bởi hơn lúc nào hết, tinh thần cống hiến và khát khao chiến thắng luôn khắc khoải trong cô.

Còn Đại úy Nguyễn Quốc Thiện, phường Phú Thượng, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quận Tây Hồ, tham gia chiến đấu ở Trường Sơn năm 1971, sau 3 năm nhập ngũ. Khi đó, ông công tác tại đơn vị công binh cơ giới làm nhiệm vụ bảo vệ trọng điểm toàn bộ trên tuyến đường Trường Sơn, từ đường 20 (Quyết Thắng) đến ngã ba Phì Hà giáp biên giới Việt Nam-Campuchia.

“Suốt thời gian chiến đấu trên những trọng điểm bảo vệ giao thông vận chuyển, tôi đã nếm trải hết những trận đánh phá, bom đạn của địch. Tuy nhiên, chúng tôi đều chấp nhận vất vả, gian khổ để bảo vệ tuyến đường, giữ thông suốt huyết mạch vận chuyển,” Đại úy Nguyễn Quốc Thiện cho biết.

Đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại úy Nguyễn Quốc Thiện đã ở lại thêm 8 năm giúp nước bạn Lào với vai trò chuyên gia quân sự, giúp xây dựng các công trình Quốc phòng ở khu vực Mường Phìn, Khu Phạ, Viêng Chăn, Luông Pha Băng.

Khi tham gia chiến đấu tại đường Trường Sơn, ông Phạm Văn Thăng, nguyên Giám đốc Trung tâm huấn luyện của Tổng Cục Kỹ thuật (hiện ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) là cán bộ tác chiến của Binh trạm 27 khu vực Đường 9 Nam Lào, sau chuyển sang Trung đoàn 527 ôtô vận tải, rồi tiếp tục chuyển về Sư đoàn 571 ôtô Anh hùng.

Ông cho biết, Sư đoàn 571 làm nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, vũ khí, hàng hóa cho chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Dù việc vận chuyển khó khăn, những người lái xe vẫn gan dạ, dũng cảm vượt qua mọi trở ngại. Đêm đi, ngày nghỉ, khi vận chuyển chỉ sử dụng đèn gầm, nơi cất giấu xe là những rừng cây rậm rạp tránh quân địch phát hiện. Cũng có lúc đoàn xe không tránh khỏi thiệt hại nhưng các chiến sỹ vẫn quyết chí, vững tay lái trên những cung đường đầy bom đạn để phục vụ chiến trường.

Viết những trang mới cho thời bình

Chiến tranh đã lùi xa, những chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lại trở về cuộc sống thường ngày. Từ đây, một trang mới lại được viết lên từ những giọt mồ hôi và khí phách của bộ đội Trường Sơn, góp phần làm giàu đẹp thêm cho quê hương.

Đại úy Nguyễn Quốc Thiện, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quận Tây Hồ khi rời quân ngũ trở về, tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.

Các cựu chiến binh dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ông làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố, tham gia Đại biểu Hội đồng Nhân dân phường, làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phú Thượng... 30 năm trong Quân đội, 26 năm công tác ở phường Phú Thượng và hiện nay tiếp tục là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quận Tây Hồ, là thời gian làm việc, cống hiến không mệt mỏi của ông.

Đại úy Nguyễn Quốc Thiện chia sẻ vốn là người yêu lịch sử địa phương, ông đã dày công nghiên cứu, sưu tập và bảo tồn văn hóa phường Phú Thượng. Phú Thượng vốn là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, là một trong những cơ sở cách mạng an toàn khu thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều di sản truyền thống nên đậm đặc dấu tích liên quan.

Ông Nguyễn Quốc Thiện đã sưu tầm tài liệu tham gia viết những cuốn sách liên quan đến lịch sử của phường, cùng mọi người tôn tạo khu lưu niệm liên quan đến sự kiện cách mạng như cây gạo trong làng là đầu mối giao thông của cách mạng thời kỳ 1941-1945; tôn tạo địa điểm cách mạng bến đò Phú Xá là nơi Bác Hồ đi từ Chiến khu Việt Bắc qua sông Hồng vào ngày 23/8/1945 để chuẩn bị cho sự kiện Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời ngày 2/9/1945; bảo tồn và phát huy các phong tục truyền thống địa phương; tổ chức lễ hội đình Phú Xá trong nhiều năm…

Giờ đây, với vai trò Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quận Tây Hồ, Đại úy Nguyễn Quốc Thiện luôn hoạt động tích cực. Ông đã vận động 8/8 phường của quận Tây Hồ thành lập tổ chức hội và phát triển 28 chi hội cơ sở với hơn 300 hội viên.

Ra quân, bà Ngô Thị Tuyết, nguyên chiến sỹ của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã chuyển về làm việc tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Bà đã làm tới vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Đức.

Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, tham gia Thường vụ Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Dù đảm nhiệm nhiều chức trách, nhiệm vụ nhưng ở vị trí nào bà cũng nỗ lực hoàn thành tốt công việc, đúng với tinh thần của chiến sỹ Trường Sơn năm xưa.

“Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và phẩm chất của người lính Trường Sơn đã cho chúng tôi một hành trang để tiếp tục làm việc và cống hiến,” Bà bày tỏ. Hiện nay, Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội đã tập hợp được 9.000 hội viên, góp phần vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2023, Hội đã xây dựng mới được 13 nhà Tình nghĩa Trường Sơn, vận động tặng 3.379 suất quà, tặng 272 chăn ấm và 26 xe lăn cho đồng đội, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 830 hội viên…

Hội viên Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội luôn tự hào về Trường Sơn, về con đường mang tên Bác Hồ, tiếp tục cống hiến để cuộc đời trở nên có ý nghĩa hơn, cho Trường Sơn mãi trường tồn trong tâm thức của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bởi như Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Thường vụ Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội chia sẻ: “Trường Sơn vẫn vẹn nguyên, khắc khoải và nóng bỏng trong từng hơi thở, mỗi con tim của các cựu chiến binh Trường Sơn”./.