Nghị quyết 30 góp phần vào thành công trong nỗ lực chống dịch COVID-19

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thứ Bảy, ngày 7/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 3 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại phiên thảo luận đã có 26 đại biểu phát biểu. Đa số đại biểu tán thành với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: sự cần thiết và điều kiện ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp bất thường (cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội); phương pháp tiếp cận, căn cứ lập Quy hoạch; quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển không gian biển; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia (phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa, các tổ chức khoa học và công nghệ; việc sắp xếp các cơ quan báo chí); định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia (dự báo tính chính xác, các vùng động lực và hành lang kinh tế, trong đó chú ý các hành lang kinh tế Đông Tây, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Nam Bộ); định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; định hướng củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia; định hướng sử dụng đất quốc gia; danh mục dự kiến dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch.

[Họp Quốc hội: Cần cơ chế ứng phó với vấn đề khẩn cấp, chưa có tiền lệ]

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 444 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89.52% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó có 437 đại biểu tán thành (bằng 88.10% tổng số đại biểu Quốc hội), có 6 đại biểu không tán thành (bằng 1.21% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Sau đó, Quốc hội thảo luận về các nội dung sau: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; (2) Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Tại phiên thảo luận đã có 8 đại biểu phát biểu. Đa số đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đồng thời cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, bám sát thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30.

Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương được thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, có thể khác với pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định trong pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.

Sau gần 1,5 năm triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Nghị quyết 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế-xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Đa số đại biểu cơ bản nhất trí đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chế độ chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong và chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, được thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023; cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm chỉ đạo hoàn thiện pháp luật để ứng phó với tình trạng tương tự trong tương lai; thông qua Nghị quyết của Quốc hội để ghi nhận những thành quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạo cơ sở pháp lý, cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách để giải quyết các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng cường tính dự báo đáp ứng yêu cầu tình hình mới; sớm ban hành hướng dẫn để chi trả chế độ, chính sách đối với lực lượng chống dịch; xem xét tạo cơ chế khuyến khích các chuyên gia ngành y nghiên cứu về các bệnh liên quan hậu COVID-19.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19; sửa đổi, bổ sung Luật Dược trình Quốc hội trong năm 2023; có giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn (nếu có) và sớm hoàn thành việc thanh toán, quyết toán các chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo quy định;...

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Từ 15 giờ, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc: Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Chủ nhật, ngày 8/1, Quốc hội nghỉ. Các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết.

Thứ Hai, ngày 9/1, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi./.

(TTXVN/Vietnam+)