Nghệ An: Nhịp sống hồi sinh ở nơi ánh đèn không bao giờ tắt
Với việc chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh mắc bệnh, sinh non, những cống hiến của các nữ bác sỹ, điều dưỡng Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mang lại niềm vui cho nhiều gia đình.
“Làm việc tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, chúng tôi luôn lấy sức khỏe, tiếng cười, sự phát triển bình thường của các bé là niềm vui, động lực để cố gắng mỗi ngày. Các bé khỏe mạnh, được xuất viện trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và gia đình chính là phần thưởng vô giá với chúng tôi.”
Bác sỹ chuyên khoa 2, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An Trương Lệ Thi tâm sự điều này đã tiếp thêm động lực cho chị quên đi những vất vả và áp lực của công việc.
Cuộc chiến thầm lặng
Đôi mắt sáng và nụ cười thường trực trên môi - đó là ấn tượng đầu tiên khi mọi người tiếp xúc với bác sỹ Trương Lệ Thi. Nhìn ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, đôi bàn tay thoăn thoắt lật hồ sơ từng bệnh án, dặn dò điều dưỡng viên lưu ý đến các trẻ sơ sinh mới vào khoa…, mọi người phần nào hiểu được sự bận rộn, vất vả của chị.
Từng học bác sỹ đa khoa của Đại học Y Thái Bình, bác sỹ Thi lại gắn bó với chuyên khoa Nhi như một cái duyên. Không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, chị đã hoàn thành khóa học bác sỹ nội trú, sau đó là bác sỹ chuyên khoa 2 chuyên ngành Nhi-Sơ sinh tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi học xong, chị được lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tin tưởng phân công về Khoa Sơ sinh.
[Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều thách thức]
Bác sỹ Thi kể lại thời điểm đó, nhân lực không đủ, Khoa chỉ dám nhận khám cho 50% trẻ được sinh ra tại Bệnh viện; đó là những trẻ có nguy cơ mắc bệnh và trẻ đẻ mổ.
Do nhu cầu và lượng bệnh nhi ngày càng nhiều, Bệnh viện đã thành lập thêm Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh. Đến nay, sau gần 10 năm thành lập, Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh đã khám cho 100% trẻ sinh ra tại đây và các trẻ ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình với nhiều bệnh như suy hô hấp nặng phải thở máy, nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm khuẩn huyết, vàng da, đa dị tật…
Khoa đã nuôi được những trẻ đẻ non, có cân nặng chỉ từ 600 gram. Khoa còn khám sàng lọc phát hiện bệnh lý sau sinh cho trẻ như đo thính lực, siêu âm tim sàng lọc dị tật bẩm sinh, sàng lọc lấy máu gót chân xác định các bệnh về rối loạn chuyển hóa.
Nghề y vất vả, đòi hỏi sự hy sinh, nhưng riêng với chuyên ngành Sơ sinh lại đặc thù hơn. Chăm sóc, điều trị các trẻ sơ sinh mắc bệnh hay sinh non là cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sỹ, điều dưỡng. Cùng lúc, các y, bác sỹ phải theo dõi, chăm sóc, lắng nghe sự sống của hàng trăm trẻ; trong đó có những bé sinh non, nhẹ cân với nhiều bệnh lý hiểm nghèo.
"Không chỉ theo dõi từng nhịp thở, nhịp tim trên máy móc, chúng tôi còn phải liên tục nhìn các con, thậm chí kê ghế ngồi cạnh lồng kính, quan sát từng nét nhăn mặt, từng cái cựa mình, gồng bụng hay tình trạng nôn trớ để biết con bị làm sao còn kịp thời điều chỉnh. 24/24 giờ đều như thế" - bác sỹ Thi chia sẻ.
Bác sỹ Thi vẫn nhớ lại cách đây hai năm, trường hợp bệnh nhi ở tỉnh Quảng Bình vừa mới sinh xong được vài tiếng đã có nhiều biểu hiện suy tim, suy hô hấp nặng được Bệnh viện Quốc tế Vinh chỉ định đến Bệnh viện Nhi Trung ương để cứu chữa. Tuy nhiên, mới đi được chưa đầy 10km, tim của bệnh nhi ngưng thở, người nhà lại đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Nhờ hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện, cháu bé được cứu sống.
Vài tiếng sau, cháu lại tiếp tục ngưng tim lần thứ 2. Bác sỹ Thi cùng các đồng nghiệp trong Bệnh viện hội chẩn, xin ý kiến của các chuyên gia tuyến trên để đưa ra phác đồ cấp cứu kịp thời. May mắn, nhờ thực hiện đúng phương pháp hồi sức cấp cứu cùng nỗ lực của cả đội ngũ y, bác sỹ, sau hai lần ngưng tim, sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục và được xuất viện.
Mới đây, sau hơn 3 tháng được chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, bé gái sinh non 24 tuần 5 ngày của một sản phụ ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nặng 700g đã khỏe mạnh xuất viện với cân nặng 2,4 kg và có thể tự bú mẹ. Đây là trường hợp bé sinh non nhất được nuôi sống thành công tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An từ trước đến nay.
Tâm huyết và trách nhiệm với những bệnh nhi
Gần 20 năm công tác trong ngành y, bác sỹ Thi không thể nhớ hết bao đêm thức trắng điều trị cho các bệnh nhân, những đêm xa gia đình với lịch trực dày đặc... Vừa là bác sỹ, lại là một người mẹ, chị hiểu hơn ai hết trẻ sơ sinh rất cần bàn tay ấm áp, tình yêu thương của người thân để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Chỉ với suy nghĩ giản đơn đó, chị đã cố gắng vượt qua những khó khăn, dành trọn tâm huyết và trách nhiệm với những bệnh nhi.
Chăm sóc, điều trị trẻ sinh non và cực non luôn là thách thức lớn trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh; bởi vì tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, nhiều nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng.
Dành trọn yêu thương, Khoa Hồi sức Sơ sinh đã theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, chăm sóc vỗ về các bé. Với chế độ điều trị đặc biệt, các bác sỹ đã áp dụng cùng lúc các phương pháp hiện đại với các trang thiết bị dành cho trẻ sinh non.
Bên cạnh đó, các chế độ ánh sáng, tiếng ồn, nhiễm khuẩn… được đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt. Từng mốc tiến triển của mỗi bé là niềm vui, hạnh phúc của khoa và gia đình. Tuy nhiên, khi chứng kiến nhiều bệnh nhi không qua khỏi, bác sỹ Thi cùng các điều dưỡng nặng trĩu nỗi buồn.
Chồng bác sỹ Thi cũng là bác sỹ chuyên khoa Mắt công tác tại Bệnh viện. Do đó, chị luôn nhận được cảm thông, chia sẻ, động viên từ chồng và gia đình. Đây là động lực cho chị cố gắng trong công việc.
Nói về người đồng nghiệp cũng là người thầy dìu dắt chị trong công việc, Điều dưỡng trưởng của Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh Trần Thị Loan cho biết ngoài vững chắc về chuyên môn, bác sỹ Thi luôn là người tận tâm, có trách nhiệm với công việc. Mọi người đã quen với hình ảnh mỗi sáng chị đến từng lồng ấp, kiểm tra sức khỏe của các trẻ sơ sinh.
Dù rất bận rộn, chị Thi vẫn cố gắng dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại để truyền đạt kiến thức, “cầm tay chỉ việc” cho những cán bộ trẻ tại khoa. Qua đó, các bác sỹ, điều dưỡng trong khoa cùng cố gắng vượt qua những áp lực trong công việc.
Bác sỹ Thi tâm sự: “Chúng tôi thường nói với nhau, Khoa Hồi sức Sơ sinh là nơi chỉ có ngày không có đêm; bởi ở đó nơi ánh đèn không bao giờ tắt và cũng là nơi các bác sỹ, điều dưỡng không phút nào thảnh thơi. Hàng ngày, nhìn các bé nằm trong lồng ấp xanh xao, yếu ớt và những ánh mắt đau đáu lo lắng của người thân, tôi cùng các y, bác sỹ, điều dưỡng đều biết mình đang mang trên vai trọng trách nghề nghiệp, niềm tin, sự kỳ vọng của các gia đình."
Tiến sỹ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết Khoa Hồi sức sơ sinh thường xuyên chăm sóc toàn diện từ 50-60 bé, cao điểm lên tới gần 80 trẻ. Chăm sóc, điều trị các trẻ sơ sinh mắc bệnh hay sinh non là cuộc chiến thầm lặng, đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các y, bác sỹ và điều dưỡng. Nhờ những cống hiến, hy sinh thầm lặng của những trái tim nhân từ, ấm áp, hàng trăm trẻ sinh non, có bệnh lý đã được cứu sống, khỏe mạnh trở về trong vòng tay của gia đình.
Là khoa 100% là nữ, các bác sỹ, điều dưỡng vừa toàn vẹn việc gia đình vừa tận tình trong công việc, phát triển chuyên môn, sáng tạo các đề tài khoa học. Nhờ đó, Khoa là đơn vị xuất sắc của Bệnh viện. Có được thành quả đó, một phần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, đóng góp của bác sỹ Trương Lệ Thi cùng tập thể Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh./.