Nghệ An: Giao thông trên nhiều tuyến đường trọng yếu bị chia cắt
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước tại nhiều ngầm, tràn bị ngập. Nhiều trường hợp người dân bị nước lũ cuốn trôi khi di chuyển qua những đoạn đường ngập nước, có dòng chảy mạnh.
Tại Nghệ An, từ ngày 19 đến 22/9, mưa vừa, to và rất to đã xảy ra trên diện rộng gây sạt lở, ngập úng, giao thông trên nhiều tuyến đường trọng yếu bị chia cắt tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, mưa lớn kéo dài, diễn ra trong nhiều ngày khiến mực nước tại các sông, suối dâng cao, dòng chảy rất mạnh.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước tại nhiều ngầm, tràn bị ngập, dòng chảy xiết. Đã có nhiều trường hợp người dân bị nước lũ cuốn trôi khi di chuyển qua những đoạn đường ngập nước, có dòng chảy mạnh.
Để bảo đảm an toàn khi di chuyển trong mùa mưa bão, người dân cần chủ động biện pháp bảo vệ cho bản thân khi đi trên những cung đường có những điểm ngập, ngập, tràn, khe suối…
Những trường hợp mất tích, tử vong do lũ cuốn
Khoảng 14 giờ ngày 21/9, 3 học sinh điều khiển 2 xe đạp điện di chuyển trên cung đường từ xã Lam Sơn đến xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, đến đoạn đường ngập nước ở địa bàn xã Lam Sơn, 1 nữ sinh đã dừng lại, 2 nữ sinh điều khiển xe đạp điện cố gắng băng qua.
Đến giữa đoạn đường ngập, 2 nữ sinh này không may ngã xe và bị dòng lũ cuốn trôi. Khi phát hiện, người dân địa phương sinh sống gần đó đã bơi ra cứu được 1 em, em còn lại bị nước lũ cuốn trôi, mất tích.
Nhận được tin báo, lực lượng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An, đã triển khai lực lượng, phương tiện nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể nạn nhân tại vị trí cách địa điểm xảy ra sự việc khoảng 30 m. Danh tính nạn nhân được xác định là em N.T.T, học sinh lớp 8 (hộ khẩu thường trú tại xóm Đồng Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương).
Trước đó sáng 21/9, anh L.V.B, sinh năm 2002, trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, trên đường di chuyển đến nhà người bạn ở xóm 4, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An chơi, đến khu vực bị ngập thuộc khe Cầu Chợ, địa phận xã Lạng Sơn, anh B. không may bị sẩy chân và bị nước nhấn chìm, mất tích.
Đến trưa cùng ngày, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn đã tìm thấy thi thể anh L.V.B, bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Hay trường hợp thương tâm nữa xảy ra vào khoảng hơn 15 giờ ngày 20/9, trên địa bàn xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, chị P.T.T (sinh năm 1986) chở theo 2 con là N.P.M.H (học sinh lớp 5) và N.P.D.M (học sinh lớp 4) Trường Tiểu học Hoa Sơn bằng xe máy điện.
Khi đi đến cầu Ông Hân tại xóm 4, xã Hoa Sơn do nước dâng cao, chảy xiết nên đã cuốn trôi 3 mẹ con. Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã hô hoán và lao xuống dòng nước cứu được 2 cháu, riêng chị T và xe máy điện bị nước cuốn trôi, mất tích.
Ngay sau đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hoa Sơn, người dân cùng lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân. Đến hơn 19 giờ cùng ngày, thi thể của chị T được tìm thấy cách địa điểm xảy ra sự việc khoảng 250m về phía hạ lưu.
Tiềm ẩn nguy cơ trên những cung đường
Tuyến đường độc đạo từ Trung tâm xã Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) đi vào các bản thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống từ nhiều ngày qua đã xảy ra tình trạng sạt lở nhiều điểm. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước suối Nậm Ngân, Nậm Kho dâng cao, chảy xiết. Nước lũ cũng đã ngập các tràn, những điểm giao cắt đường dân sinh qua khe suối cũng bị nước lũ dâng cao, dòng chảy rất mạnh.
Đặc biệt, nước lũ đã cuốn trôi cầu tạm bằng gỗ trên con đường độc đạo dài hơn 20km nối với Trung tâm xã, khiến hơn 150 hộ với gần 760 nhân khẩu, 100% là đồng bào Thái của bản Na Ngân, xã Nga My, huyện Tương Dương, tạm thời bị chia cắt, cô lập.
Anh Kha Văn Luận, người dân bản Na Ngân chia sẻ nhiều ngày qua, mưa lớn đã khiến tuyến đường đi ra trung tâm xã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, đá. Đặc biệt, nước suối Nậm Ngân dâng cao, dòng chảy rất mạnh đã khiến nhiều điểm tuyến đường giao cắt qua suối bị ngập rất sâu, dòng chảy cuồn cuộn nên người dân không thể di chuyển trên đường. Nếu di chuyển sẽ rất dễ bị ngã do đá trơn, dưới đáy mực nước lại sâu, dòng chảy xiết rất nguy hiểm đến tính mạng.
Tương tự, tại địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, nhiều ngày qua, đường tỉnh lộ 534C nối trung tâm xã đi các bản biên giới Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 nơi có gần 400 hộ, hơn 1.340 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là dân tộc Thái đã xuất hiện nhiều điểm bị sạt lở, ngập sâu. Để tránh nguy hiểm cho người dân, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã dựng chốt và cử người trực, nghiêm cấm người, phương tiện qua lại trên những điểm ngập.
Tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, do nước từ các sông, suối dâng cao gây ngập cầu tràn nằm ngay cửa ngõ trên tuyến đường độc đạo nối xã Tam Hợp với trung tâm huyện, vì vậy, các bản của xã Tam Hợp đều bị cô lập hoàn toàn.
Trong ngày 20/9, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời một số hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Ngoài ra, 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương, cũng bị chia cắt, cô lập từ ngày 20/9 bởi nước khe Chon dâng lên rất nhanh khiến 2 tràn ở hai bản bị ngập, dòng chảy rất mạnh.
Sau nhiều ngày mưa lớn, trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng yếu, huyết mạch của miền Tây Nghệ An như Quốc lộ 48C, 48, 7 qua địa bàn các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn… đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở, ngập úng gây cản trở, chia cắt giao thông; nhiều bản làng, cụm dân cư vùng cao, vùng sâu đã bị chia cắt, cô lập. Nếu mưa lớn tiếp diễn thì nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét… càng cao.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: trong mùa mưa bão, người dân cần thận trọng, an toàn khi di chuyển trên các tuyến đường.
Đặc biệt, tại các điểm ngầm, tràn, bị ngập nước khi có mưa lũ, dòng chảy xiết thì các địa phương, đơn vị phải có biện pháp cảnh báo người dân như: cấm đường, không cho người dân di chuyển qua vì rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn không thể lường hết.
Người dân tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi di chuyển; không đi chăn thả gia súc, gia cầm, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, vớt củi, lao động sản xuất tại các khu vực gần sông, suối, bờ vực…để tránh các tai nạn nguy hiểm, sự việc đáng tiếc không may xảy ra.
Chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết mưa lớn, lũ lụt, sạt lở nguy hiểm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công./.