Ngày 28 Tết, giao thông Thủ đô không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng
Để hạn chế ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ Thủ đô vào ngày 28 và 29 Tết (19 và 20/1) Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức phân luồng cho phương tiện theo 6 hướng.
Chiều 19/1 (tức 28 tháng Chạp), ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, người dân Thủ đô đổ về quê ăn Tết khiến lưu lượng phương tiện gia tăng tại khu vực cửa ngõ Thủ đô.
Nhưng nhờ công tác phân luồng giao thông và sự phối hợp của các lực lượng cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông tại các chốt trọng điểm, tuần tra phân luồng, kịp thời xử lý tình huống giao thông phát sinh, nên tình hình đi lại của người dân khá thuận lợi, không để xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Theo dự báo, lưu lượng phương tiện tăng nhanh từ chiều 28 đến ngày 29 Tết nhưng dạo qua các điểm nóng ùn tắc giao thông trong buổi chiều và tối ngày 28 Tết, phương tiện đi lại khá dễ dàng, đặc biệt lượng xe máy giảm rõ rệt.
[Trái với dự đoán, các cửa ngõ thông thoáng cuối giờ chiều ngày 19/1]
Trên các tuyến đường trọng điểm như Khuất Duy Tiến, Láng, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy và nhiều tuyến đường trong nội đô không còn cảnh ùn ứ, phương tiện thưa vắng hẳn, người dân đi lại dễ dàng khác hẳn ngày thường và dịp này mọi năm.
Nhưng tại tuyến đường Giải Phóng cửa ngõ phía Nam của Thủ đô (hướng ra Pháp Vân-Quốc lộ 1A), vào cuối giờ chiều, mật độ ôtô và xe máy tăng nhanh.
Trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đi vành đai 3, lượng phương tiện cũng tăng đáng kể, gây ra ùn ứ dòng ôtô dài gần 1km.
Đặc biệt, tại đường dẫn vào cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình đã xảy ra va chạm giữa hai ôtô con khiến dòng phương tiện bị ùn tắc kéo dài theo hướng từ Hà Nội-Hà Nam.
Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 sau đó đã nhanh chóng cử lực lượng đến giải quyết vụ tai nạn và phân luồng.
Trước đó, để hạn chế ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức phân luồng cho phương tiện theo 6 hướng.
Phương tiện từ trung tâm Thủ đô đi phía Nam có thể chọn hướng Giải Phóng-Ngọc Hồi-Quốc lộ 1 vào cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm; nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên).
Phương tiện di chuyển trên quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi-Trần Phú-Quang Trung)-ngã ba Ba La đi đường 21B-Quốc lộ 38 để ra Quốc lộ 1 (nút giao Đồng Văn) hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi-Trần Phú-Quang Trung)-rẽ trái đi đường Phùng Hưng - đến đường trục phía Nam-rẽ trái đường tỉnh 427B-ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Nhằm giảm lưu lượng cho cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và nút giao Pháp Vân, phương tiện từ phía Nam đi về Hà Nội có thể chọn các hướng sau:
Tại nút giao Liêm Tuyền trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đi tỉnh lộ 494-Quốc lộ 21B-Quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông).
Tại nút giao Vực Vòng đi theo 2 hướng là rẽ trái đi Quốc lộ 38-Quốc lộ 21B-Quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông), rẽ phải đi Quốc lộ 38-qua cầu Yên Lệnh-Quốc lộ 39A-đường tỉnh 379 - nút giao với đường vành đai 3 (cầu Thanh Trì).
Tại nút giao Vạn Điểm: rẽ trái đi Quốc lộ 1-đường tỉnh 429-Quốc lộ 21B-Quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông).
Tại nút giao Thường Tín: Đi đường tỉnh 427-đến đường trục phía Nam-đường Phùng Hưng (Hà Đông).
Từ Hà Nội đi phía Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn...) và ngược lại có thể đi theo đường vành đai 3-cầu Thanh Trì-cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.
Cầu Nhật Tân-Võ Nguyên Giáp-Quốc lộ 18 đi cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.
Cầu Chương Dương-Nguyễn Văn Cừ-Hà Huy Tập-Ngô Gia Tự-cầu Đuống đi cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.
Từ Hà Nội đi phía Tây Bắc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau:
Cầu Thăng Long-Võ Văn Kiệt-Quốc lộ 2 vào cao tốc Hà Nội-Lào Cai.Cầu Thăng Long - tỉnh lộ 23 - đường Mê Linh đi Quốc lộ 2.
Cầu Thăng Long - cầu vượt Nam Hồng - đường 23 - Quốc lộ 2 - đường tỉnh 310B đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Quốc lộ 3 - đường tỉnh 296 vào cao tốc Hà Nội-Lào Cai.
Quốc lộ 32 đi Phú Thọ.
Từ Hà Nội đi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau:
Đại lộ Thăng Long-đường Tản Lĩnh-Yên Bài-cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình.
Quốc lộ 6-thị trấn Xuân Mai-Hòa Bình.
Từ Hà Nội đi phía Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau:
Đường Cổ Linh-nút giao đường vành đai 3 đường Cổ Linh-cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Đường tỉnh 379 đi Hưng Yên, Hải Phòng.
Quốc lộ 5 cũ (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận) đi Hải Dương.
Cầu Thanh Trì-cao tốc Hà Nội-Bắc Giang đi Quốc lộ 18-cầu Thanh Trì.
Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng để hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông từ xa.
Đồng thời, Thanh tra Sở chủ động xây dựng phương án chốt trực, bố trí lực lượng phối hợp với công an thành phố Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông khi xảy ra ùn tắc tại các tuyến đường ra vào Thủ đô như: nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ; nút giao đại lộ Thăng Long; nút giao Quốc lộ 5 cũ-vành đai 3; nút giao Cổ Linh-đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; nút giao Võ Văn Kiệt-Quốc lộ 2-Võ Nguyên Giáp./.