Ngành hàng xa xỉ lao đao khi nhu cầu từ Trung Quốc sa sút

Tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp cho biết tổng doanh thu quý 3 của tập đoàn chỉ đạt 3,8 tỷ euro, giảm 16%, do nhu cầu tại Trung Quốc giảm sút.

Một cửa hàng thời trang xa xỉ của Gucci ở trung tâm Paris. (Ảnh: Bloomberg)

Tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp cảnh báo lợi nhuận sẽ giảm gần 50% trong năm nay sau khi doanh số bán hàng tại thương hiệu chính Gucci sụt giảm mạnh do nhu cầu yếu tại Trung Quốc.

Theo Refinitiv, tập đoàn niêm yết tại Paris này cho biết thu nhập hoạt động cả năm sẽ giảm 46% so với năm 2023, xuống còn khoảng 2,5 tỷ euro, thấp hơn mức 2,85 tỷ euro mà các nhà phân tích dự đoán.

Đây sẽ là mức thấp nhất trong 8 năm và là mức giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch năm 2020. Kering đã đưa ra nhiều cảnh báo lợi nhuận trong năm nay, điều hiếm thấy trong lĩnh vực hàng xa xỉ.

Các đối thủ như LVMH, chủ sở hữu của Louis Vuitton, cũng đang chịu ảnh hưởng từ nhu cầu yếu của người mua sắm Trung Quốc, nhưng Kering đồng thời đang phải vật lộn để vực dậy thương hiệu Gucci từng bùng nổ của Italy.

Gucci vừa bổ nhiệm Giám đốc điều hành (CEO) mới và đang hướng tới một phong cách thẩm mỹ tinh tế hơn.

Doanh số bán hàng của Gucci tiếp tục giảm sâu trong quý 3/2024, với doanh thu giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, tệ hơn dự kiến của các nhà phân tích.

Đối với toàn bộ tập đoàn, doanh thu giảm 16%, đạt 3,8 tỷ euro, thấp hơn dự báo đạt 3,96 tỷ euro từ các nhà phân tích của Bloomberg, tương đương mức giảm 10,9%. Đối với Gucci, doanh thu dự kiến ở mức 1,75 tỷ euro, tương đương mức giảm 20,66%.

Gucci chiếm khoảng 50% doanh thu và khoảng 70% lợi nhuận hoạt động của tập đoàn, khiến việc phục hồi thương hiệu này trở nên quan trọng đối với Kering. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại thương hiệu Saint Laurent của Kering cũng giảm 12%, làm gia tăng khó khăn cho tập đoàn.

Giám đốc Tài chính của Kering, bà Armelle Poulou, cho biết quý vừa qua của Kering gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm tại Nhật Bản, châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Thêm vào đó, doanh thu từ Trung Quốc giảm khoảng 35%.

Niềm tin của người tiêu dùng tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng trong bối cảnh nước này chịu tác động từ khủng hoảng trên thị trường bất động sản kéo dài và các biện pháp kích thích của chính phủ vẫn chưa phát huy tác dụng.

LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, sở hữu Dior, tuần trước đã báo cáo doanh số bán hàng giảm, làm dấy lên lo ngại rằng lĩnh vực này phải đối mặt với sự biến động kéo dài và tăng trưởng chậm.

Hãng mỹ phẩm L'Oréal cũng công bố tăng trưởng doanh số đáng thất vọng trong tuần này do nhu cầu của Trung Quốc giảm.

Rất ít thương hiệu tránh được sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, ngoại trừ Hermès, nhà sản xuất túi Birkin, với các sản phẩm được coi là đỉnh cao của hàng xa xỉ./.