Ngân hàng HSBC dự đoán nhu cầu sầu riêng toàn cầu sẽ tăng tới 400%
Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, chiếm tới 91% thị trường sầu riêng toàn cầu trong hai năm qua, với tổng giá trị 6 tỷ USD.
Một báo cáo mới của Ngân hàng HSBC dự đoán nhu cầu sầu riêng toàn cầu sẽ tăng tới 400%, do mức tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng đáng kể.
Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, chiếm tới 91% thị trường sầu riêng toàn cầu trong hai năm qua, với tổng giá trị 6 tỷ USD.
Sầu riêng đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không chỉ coi nó như một loại trái cây mà còn là biểu tượng của sự hào phóng khi tặng cho bạn bè và người thân trong lễ đính hôn.
[Infographics] Xuất khẩu sầu riêng của VN năm 2023 dự kiến tăng mạnh
Nhu cầu sầu riêng bắt đầu tăng ở Trung Quốc vào đầu năm 2017.
Thường được mệnh danh là “vua trái cây,” sầu riêng được bán với giá hơn 10 USD/kg ở Trung Quốc, so với mức giá trung bình ở các nước Đông Nam Á khoảng 6 USD/kg.
Theo chuyên gia kinh tế của HSBC, các nhà xuất khẩu lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm 90% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2022, đang được hưởng lợi từ xu hướng này.
Thái Lan đứng đầu về xuất khẩu sầu riêng trong khu vực ASEAN và các thành viên khác trong khối đang mong muốn cạnh tranh xuất khẩu loại trái cây này.
Chuyên gia kinh tế Aris Dacanay của HSBC lưu ý các nước ASEAN có thể đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do khu vực bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, cho phép các nước ký kết tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng./.