Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ kêu gọi cấm sử dụng tiền điện tử
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ khuyến nghị xây dựng một khung pháp luật về đồng tiền điện tử và có quan điểm cho rằng tiền điện tử nên bị cấm.
Theo một tuyên bố được đưa ra trước Quốc hội ngày 18/7, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) kêu gọi cấm tiền điện tử.
Quan điểm trên của RBI đã được Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman trích dẫn trong câu trả lời tại phiên họp.
RBI lập luận rằng “trước những quan ngại được RBI bày tỏ về tác động gây mất ổn định của tiền điện tử đối với tài chính và tiền tệ của một quốc gia, RBI khuyến nghị xây dựng một khung pháp luật về lĩnh vực này. RBI có quan điểm cho rằng tiền điện tử nên bị cấm.”
[Giới chuyên gia bi quan về triển vọng của đồng tiền bitcoin]
Trước đây, RBI cho rằng tiền điện tử là “mối nguy hiểm rõ ràng” và “được thiết kế nhằm vượt qua hệ thống tài chính và tất cả các biện pháp kiểm soát, bao gồm các quy định về Chống rửa tiền (AML)/Chống khủng bố tài chính (CFT) và Nhận biết khách hàng của bạn (KYC).
RBI đã phát triển một thói quen đưa ra các thông báo công khai cảnh báo người dùng, người nắm giữ và người giao dịch về những rủi ro tiềm ẩn liên quan tới tiền ảo - mà RBI tin là bao gồm từ bảo mật đến hoạt động, kinh tế, luật pháp và hơn thế nữa.
Hồi tháng 4/2018, RBI đã cấm các tổ chức nằm trong sự quản lý của mình tiến hành giao dịch bằng tiền ảo hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch bằng đồng USD kỹ thuật số.
Theo Bộ trưởng Sitharaman, RBI không coi tiền ảo là tiền tệ vì loại tiền này không được phát hành bởi ngân hàng trung ương hay chính phủ.
Bộ trưởng giải thích: “Giá trị của tiền định danh được cố định bởi chính sách tiền tệ và vị thế của nó là tiền tệ chính thức. Tuy nhiên, giá trị của tiền ảo chỉ dựa vào những suy đoán và kỳ vọng về lợi nhuận cao không được cố định tốt. Vì vậy tiền ảo có tác động gây mất ổn định cho tiền tệ và tài chính của một quốc gia.”
Điều đáng quan tâm nữa là bản chất không biên giới của tiền ảo. Bất kỳ đạo luật, quy định hoặc lệnh cấm nào đối với loại hình thay thế đồng tiền sẽ yêu cầu “sự hợp tác quốc tế lớn” về cả đánh giá rủi ro và thiết lập các tiêu chuẩn”./.