Ngân hàng chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau bão
Một số ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-2% cho khách hàng hiện hữu nhằm khôi phục sản xuất do bão số 3 gây ra.
Cơn bão số 3 (Yagi) làm thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Ngành Ngân hàng đang nỗ lực kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết.
Vay 4 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để đầu tư vào bè cá, nhưng hôm bão Yagi đổ bộ, gia đình chị Ngô Thị Thúy - Khu phố Thống Nhất 2, Tân An, Quảng Yên (Quảng Ninh) đau đớn, xót xa đứng nhìn 105 ô nuôi cá bị cuốn trôi theo cơn giông.
Chị Thúy chia sẻ những ngày sau bão, bà con Tân An cứ gặp là ôm nhau khóc, chỉ biết tự an ủi "còn người là còn của."
Đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang, thiệt hại của gia đình chị Thúy ước tính lên tới 12 tỷ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.
“Bão qua đi, mọi người sẽ tiếp tục công việc của mình, tiếp tục gắn bó với biển để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng làm sao mà không đau đớn, xót xa được. Giờ đây chúng tôi không biết xoay xở thế nào vì mọi tài sản đã bị dòng nước cuốn trôi,” chị Thúy nghẹn ngào nói.
Mong muốn duy nhất của chị Thúy là được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. "Ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng,”
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Thủy, ông Vũ Văn Cường - Khu 3 Tân An, Quảng Yên (Quảng Ninh) cũng nghẹn lòng khi nói đến 3 bè cá trị giá gần 14 tỷ đồng của mình.
Ông Vũ Văn Cường chia sẻ: "Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại.”
Ông Vũ Anh Tâm - Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Chế biến dịch vụ thuỷ sản Cát Hải, Hải Phòng cũng cho biết: "Hơn 1.000 tấn cá vừa đưa vào ủ muối giờ bị ngấm nước mưa thì bây giờ chúng tôi phải bổ sung thêm muối vào để xem khắc phục đc bao nhiêu %. Nhưng nói chung chất lượng sẽ bị ảnh hưởng ít nhất 20%-30%, vì thế mà thay vì làm sản phẩm cấp cao thì giờ khắc phục làm cấp thấp thôi."
Một số tỉnh khác cũng bị thiệt hại nhiề. Điển hình là tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng cho biết có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão.
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, trong đợt bão vừa qua trên địa bàn tỉnh có 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết.
Tỉnh Hà Nam ước tính cũng thiệt hại 468 tỷ đồng thiệt hại về lúa là 6.219,12 ha, hoa màu 882,73 ha; chăn nuôi gia súc, gia cầm 77.594 con; nuôi trồng thủy sản 589,4 ha.
Ngân hàng chung tay giảm lãi suất
Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng đã và đang xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.
Ông Tùng cho biết thêm tính đến ngày 11/9, theo ước tính, đã có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Theo ông Tùng, Vietcombank giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.
Nông nghiệp được xác định là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 3. Để hỗ trợ các doanh nghiệp có liên quan đến nông nghiệp khắc phục khó khăn, một số ngân hàng đang huy động tối đa nhân lực để nhanh chóng thẩm định thiệt hại, qua đó khẩn trương áp dụng giải pháp giãn nợ, giảm lãi vay và không thu nợ bằng mọi cách.
Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết sẽ áp dụng với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với lãi suất giảm từ 0,5%-2% trên lãi suất mà Agribank đang áp dụng với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Không chỉ những ngân hàng có vốn Nhà nước, với trách nhiệm của mình các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã quyết định giảm 1% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng của mình bị thiệt hại bởi cơn bão số 3.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Theo đó, từ nay đến 31/12, MSB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng.
Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với hạn mức vay thế chấp lên đến 6 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 4,99% và hạn mức vay tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất từ 7,7%. Về thời gian vay, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng và các hình thức vay đa dạng như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, thẻ tín dụng và tài trợ thương mại... góp phần tháo gỡ khó khăn, thiệt hại do bão lũ đề lại.
VPBank cũng quyết định giảm lãi suất cho vay 1% đối với các khoản vay trung, dài hạn và 0,5% lãi suất với khoản vay ngắn hạn cho các khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm tại ngân hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Trước đó, tại buổi làm việc với một số địa phương, ông Đào Minh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Ngân hàng cần trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các tổ chức tín dụng cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi./.