Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây về vấn đề ổn định chiến lược
Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vacsava vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa hai khối.
Theo hãng tin TASS, ngày 8/11, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành đối thoại với phương Tây về các vấn đề ổn định chiến lược, nhưng hiện đang thiếu các điều kiện tiên quyết cần thiết cho một quá trình như vậy.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh hiện không có điều kiện tiên quyết nào tồn tại mặc dù một cuộc đối thoại như vậy rõ ràng là cần thiết. Ông khẳng định Nga sẵn sàng bắt đầu một cuộc đối thoại như thế.
Khi được hỏi liệu việc Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) có ảnh hưởng đến ổn định chiến lược toàn cầu hay không, ông Peskov cho rằng tình hình trên thực tế sẽ không thay đổi.
Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vacsava vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa hai khối. CFE quy định giới hạn trong triển khai các lực lượng vũ trang thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập các cơ chế để kiểm tra.
[Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại với Mỹ]
Hiệp ước này được cập nhật năm 1999 đặt ra các giới hạn cho các nước và vùng lãnh thổ nhất định, chứ không phải các khối. Tuy nhiên, các nước thành viên NATO đã không phê chuẩn bản cập nhật của hiệp ước. Sau khi không thể đồng ý về các điều khoản của CFE, năm 2007, Nga đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước.
Năm 2015, Nga đình chỉ việc tham gia các cuộc họp của Nhóm cố vấn chung về hiệp ước CFE, qua đó hoàn tất quá trình đình chỉ tư cách thành viên trong hiệp ước nhưng tiếp tục là một bên tham gia CFE về mặt pháp lý. Ngày 29/5 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật bãi bỏ hiệp ước CFE./.