Nga: Phương Tây đánh lạc hướng dư luận về vụ Dòng chảy phương Bắc
Theo người phát ngôn điện Kremlin, các nước góp vốn trong dự án Dòng chảy phương Bắc (với Dòng chảy phương Bắc 1 gồm Nga, Đức, Hà Lan và Pháp) cần thực hiện cuộc điều tra khẩn cấp và minh bạch.
Trong thông tin liên quan tới vụ phá hoại hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc của Nga, truyền thông phương Tây đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận và Nga không hiểu làm thế nào các quan chức Mỹ có thể đưa ra giả định liên quan các cuộc tấn công mà không thực hiện điều tra.
Trên đây là tuyên bố của người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đưa ra ngày 8/3.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Peskov nêu rõ những bên chủ mưu vụ tấn công muốn chuyển hướng chú ý của dư luận và đây là hành động cố ý.
Theo ông Peskov, các nước góp vốn trong dự án Dòng chảy phương Bắc (với Dòng chảy phương Bắc 1 gồm Nga, Đức, Hà Lan và Pháp) cần thực hiện cuộc điều tra khẩn cấp và minh bạch.
[Điện Kremlin thông báo về tương lai của các dự án Dòng chảy phương Bắc]
Tuyên bố của quan chức Điện Kremlin được đưa ra một ngày sau khi tờ New York Times của Mỹ, dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, cho rằng một nhóm ủng hộ Ukraine (có thể gồm các người Ukraine hoặc người Nga), đã gây ra các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2 vào tháng 9 năm ngoái.
Trong khi đó, Đài phát thanh truyền hình ARD và báo Die Zeit của Đức thông tin rằng thủ phạm thực hiện vụ tấn công là 6 người (trong đó có 1 phụ nữ) và những người này sử dụng hộ chiếu giả.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã cảnh báo về các cáo buộc vội vàng liên quan tới các vụ phá hoại nói trên.
Trước đó, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh đăng trên blog cá nhân thông tin cho rằng các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Mỹ với sự giúp đỡ của Na Uy đã cài chất nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy dưới Biển Baltic giữa Nga và Đức vào tháng 6/2022.
Các vụ nổ xảy ra sau đó 3 tháng đã làm hư hại hệ thống đường ống dẫn này, trong đó có đoạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và của Đan Mạch.
Nga cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm đối với những vụ nổ này, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế. Tuy nhiên, phương Tây đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.
Các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào dù cho rằng đây là hành động "có chủ đích."
Ngày 21/2 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành thảo luận vấn đề này sau khi phái đoàn thường trực Liên bang Nga đề nghị mở một cuộc điều tra toàn diện do Liên hợp quốc đứng đầu.
Một số thành viên Hội đồng Bảo an lên tiếng ủng hộ đề xuất này, song một số nhấn mạnh chỉ cần các cuộc điều tra hiện nay là đủ.
Các thành viên khác bày tỏ quan ngại về tác động của vụ việc, cho rằng các nỗ lực nên tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực./.