Nga kêu gọi Iran chấp nhận thỏa thuận với Mỹ về việc không làm giàu urani
Một nguồn tin châu Âu tiết lộ Tổng thống Nga sẽ ủng hộ thỏa thuận không làm giàu urani - "ông ấy đã khuyến khích phía Iran hướng tới điều đó để tạo thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán với người Mỹ."
Theo trang tin Axios ngày 12/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã kêu gọi các quan chức Iran chấp nhận một thỏa thuận với Mỹ về việc không làm giàu urani.
Một nguồn tin châu Âu tiết lộ với Axios: "Ông Putin sẽ ủng hộ thỏa thuận không làm giàu urani. Ông ấy đã khuyến khích phía Iran hướng tới điều đó để tạo thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán với người Mỹ."
Theo Axios, ông Putin đã bày tỏ sự ủng hộ với thỏa thuận này không chỉ với các quan chức Iran mà còn với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ba quan chức châu Âu và một quan chức Israel xác nhận thông tin này.
Tuy nhiên, hãng thông tấn bán chính thức của Iran Tasnim đã bác bỏ thông tin trên, dẫn lời một "nguồn tin am hiểu" khẳng định rằng ông Putin không hề gửi bất kỳ thông điệp nào tới Iran về vấn đề này.
Một nguồn tin cấp cao từ Israel cũng nói với Axios: "Chúng tôi biết rằng đây chính là điều (ông) Putin đã nói với phía Iran."
Nguồn tin này cho biết thêm Moskva cũng đã chia sẻ quan điểm vấn đề Iran làm giàu urani với chính quyền Israel.
Tổng thống Nga cũng đã truyền đạt quan điểm của mình đến Tổng thống Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong các cuộc gọi riêng biệt.
Trước đó, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay cả Iran, Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thể hiện sự quan tâm đến đề xuất của Nga về việc loại bỏ lượng urani làm giàu dư thừa khỏi Iran.
Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, ông Ryabkov tiết lộ: "Mục đích của đề xuất là giải quyết đồng thời hai vấn đề - một mặt liên quan đến việc phía Iran… kiên quyết khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quyền tiến hành hoạt động làm giàu trên lãnh thổ của mình.
Mặt khác, có những đối thủ của Tehran bày tỏ quan ngại lớn về việc Iran tích trữ urani làm giàu vượt quá mức thông thường được sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân."
Ông Ryabkov cho rằng nếu Nga có thể đưa số vật liệu này ra khỏi Iran và tiến hành các công đoạn xử lý cần thiết để sản xuất nhiên liệu hoặc quản lý theo cách biến chúng thành sản phẩm thương mại để bán thì cả hai vấn đề trên đều có thể được giải quyết hiệu quả.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết đề xuất này vẫn chưa đạt đến giai đoạn cụ thể hóa các biện pháp thực tiễn song các bên liên quan "đều tiếp cận vấn đề này với sự quan tâm."
Iran khẳng định tiếp tục hợp tác với IAEA dưới hình thức mới
Theo RIA Novosti và AFP, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 12/7 tuyên bố Tehran không chấm dứt hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhưng bản chất quan hệ này sẽ thay đổi.
Phát biểu tại cuộc gặp các đại diện ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Iran, ông Araghchi nhấn mạnh: “Hợp tác của chúng tôi với IAEA chưa chấm dứt, nhưng sẽ có hình thức mới, điều này hoàn toàn tự nhiên, xét tới thực tế hiện nay và những sự kiện đã xảy ra.”
Cuối tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Giám hộ Iran đã phê chuẩn dự luật đình chỉ hợp tác giữa Iran và IAEA.
Theo ông Araghchi, dự luật quy định mọi hoạt động hợp tác sau này giữa Iran và IAEA sẽ do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran giám sát.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Araghchi cũng nhấn mạnh Tehran “sẵn sàng” đối thoại ngoại giao về chương trình hạt nhân, vài tuần sau khi Mỹ và Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran giữa lúc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Ông khẳng định: “Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn sẵn sàng xây dựng lòng tin thông qua ngoại giao, nhưng trước hết, các đối tác phải thuyết phục được chúng tôi rằng họ thực sự muốn ngoại giao, chứ không phải sử dụng ngoại giao làm bình phong cho những mục tiêu và ý đồ khác.”./.