Nga bi quan về triển vọng đối thoại kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ

Thứ trưởng Ryabkov cho hay Mỹ muốn đàm phán ba bên, bao gồm cả Trung Quốc, trong khi Moskva mong muốn đàm phán 5 bên, bao gồm Anh và Pháp - cũng là các cường quốc hạt nhân.

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov - quan chức người phụ trách quan hệ với Mỹ và kiểm soát vũ khí - đánh giá triển vọng đàm phán ổn định chiến lược hạt nhân giữa Moskva và Washington là không mấy khả quan.

Hồi tháng trước, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân, Điện Kremlin tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ mong muốn nối lại tiến trình đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ryabkov cho hay Mỹ muốn đàm phán ba bên, bao gồm cả Trung Quốc, trong khi Moskva mong muốn đàm phán 5 bên. Nga bày tỏ mong muốn Anh và Pháp - cũng là các cường quốc hạt nhân - tham gia mọi cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí mới.

Trước đó, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva, ông Gennady Gatilov cho biết Mỹ chưa sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận nghiêm túc với Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Gatilov phát biểu: "Trên thực tế, không hề có và không thể có chuyện nối lại đối thoại nghiêm túc về kiểm soát vũ khí hạt nhân, vốn đã bị gián đoạn theo sáng kiến của Washington. Phía Mỹ chưa sẵn sàng cho việc này. Và làm sao có thể có đối thoại bình thường giữa các nước khi một bên không coi bên kia là đối tác bình đẳng, không tính đến các lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh?"

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố này được đưa ra sau phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ông bày tỏ mong muốn thảo luận với Nga về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.

Ông Peskov nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Mỹ, đồng thời Điện Kremlin đang chờ tín hiệu từ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các cuộc đàm phán cần tính đến tiềm năng vũ khí hạt nhân của các đồng minh Mỹ như Anh và Pháp để đảm bảo sự công bằng trong quá trình giải trừ./.