Nền tảng vững chắc của Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan
Với sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển cũng như tiềm năng của hai nước, Quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc.
Từ ngày 7-10/12/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.
Chuyến thăm là một dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mekong, cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chuyến thăm nhằm khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp tục tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Trải qua 47 năm kể từ khi thiết lập Quan hệ Ngoại giao (1976-2023), quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, trở thành Đối tác Chiến lược, Hợp tác Hữu nghị, Toàn diện.
Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đứng trước những thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hai nước để thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu, phát triển hiệu quả, bền vững.
Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có Quan hệ Ngoại giao thân thiết, cùng là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức tiểu vùng khác trong khu vực.
Thiết lập Quan hệ Ngoại giao vào tháng 8/1976 nhưng quan hệ song phương giữa hai nước chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Thái Lan vào tháng 9/1978.
Trong giai đoạn 1979-1989, những bất ổn về chính trị của khu vực và thế giới đã tác động không nhỏ đến Quan hệ Việt Nam-Thái Lan, khiến hai nước gặp khó khăn trong phát triển hơn nữa quan hệ chính trị-ngoại giao.
Từ năm 1993 đến nay, vượt qua thử thách của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, quan hệ hai nước đã nồng ấm trở lại. Hai bên đã nối lại các chuyến thăm cấp cao, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 10/1993) và chuyến thăm của Thái tử Maha Vajiralongkorn (nay là Nhà Vua Rama X) tới Việt Nam (tháng 11/1992).
Năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã vượt qua nhiều thách thức, không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là kể từ khi hai nước ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ 21 (tháng 2/2004).
Tiếp đó, năm 2019, hai bên nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Tăng cường nhằm thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa.
Hợp tác chính trị được đẩy mạnh thông qua trao đổi đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau và nhiều cơ chế hợp tác mới, thực chất đã được thiết lập sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Tăng cường, như Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương, Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng, Tham vấn lãnh sự.
Hai nước duy trì thường xuyên hoạt động tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác song phương hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hai nước.
Nổi bật gần đây là các hoạt động như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (tháng 5/2021) và tiếp xúc bên lề Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ (tháng 5/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai (tháng 5/2021), đồng chủ trì Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến (tháng 11/2021).
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đồng chủ trì kỳ họp lần 4 Ủy ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam-Thái Lan tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) (tháng 4/2022); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu và thăm Thái Lan (tháng 6/2022); Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị ESCAP 78 tại Thái Lan (tháng 5/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp xúc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương tại Myanmar (tháng 7/2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức và dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 tại Bangkok, Thái Lan (tháng 11/2022).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Chuan Leekpai bên lề Hội nghị AIPA 43 tại Campuchia (tháng 11/2022); Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sarun Charoensuwan thăm và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 9 Tham khảo Chính trị Việt Nam-Thái Lan tại Hà Nội (tháng 6/2023); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha bên lề Hội nghị AIPA 44 tại Indonesia (tháng 8/2023); Đại tướng Chalermphon Srisawasdi, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Quân đội Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam (tháng 9/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Sretta Thavisin bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 tại Hoa Kỳ (tháng 9/2023); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2023)…
Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thái Lan coi trọng vai trò của ASEAN, phối hợp tốt trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, nỗ lực cùng các nước giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Hai nước cũng tham gia tích cực trong nhiều cơ chế tiểu vùng như Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD), Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Mekong-Lan Thương, Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Mekong-Ganga (Ấn Độ), Sáng kiến hạ nguồn Mekong-Mỹ (LMI), Mekong và những người bạn (FLM).
Năm 2021, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao. Với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Trong các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thúc đẩy và khẳng định đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do hai Thủ tướng chủ trì.
Hai bên tiếp tục duy trì hiệu quả cơ chế họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương; tích cực thực hiện Chương trình Hành động Triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027; thúc đẩy phát triển thương mại, mở rộng đầu tư; triển khai hiệu quả sáng kiến “Ba kết nối” (gồm kết nối chuỗi cung ứng; kết nối các ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp; kết nối các Chiến lược Tăng trưởng Xanh, bền vững của hai nước), hợp tác trên các lĩnh vực mới như Chuyển đổi Số, Năng lượng Xanh...
Thái Lan luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.
Về đầu tư, tính lũy kế đến 20/10/2023, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN (sau Singapore) với 733 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là hơn 14,03 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt gần 16 tỷ USD; năm 2021 đạt 18,8 tỷ USD; năm 2022 đạt 21,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 10 tháng năm 2023 đạt 15,8 tỷ USD.
Hai bên đang phối hợp, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn; hạn chế các rào cản thương mại và tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Bên cạnh đó, việc hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch… diễn ra sôi động, giao lưu nhân dân sâu đậm dựa trên sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hóa, xã hội, ẩm thực.
Với vị trí địa lý gần, đường bay thuận tiện, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường du lịch hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ 10 trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và đứng thứ tư trong nhóm các nước ASEAN.
Một điểm nhấn trong quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa hai nước là sự phát triển không ngừng của Cộng đồng người Việt tại Thái Lan, những người con xa xứ luôn hướng về cội nguồn và có nhiều đóng góp cho địa phương nơi sinh sống. Hơn 100.000 người Thái gốc Việt sinh sống ở Thái Lan là cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị hai nước.
Thái Lan cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Cộng đồng người Thái gốc Việt gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, mở các lớp học tiếng Việt, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng, duy tu các Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom.
Ngày nay đa số Kiều bào đều có cuộc sống khá giả hoặc trung bình. Các thế hệ con cháu sau này đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội sở tại, trở thành những doanh nhân và trí thức thành đạt, nhiều người là bác sỹ, giáo sư, đặc biệt là gần đây khá nhiều người Thái gốc Việt được tín nhiệm bầu vào bộ máy chính quyền địa phương, tham gia tích cực vào đời sống chính trị sở tại.
Có thể nói, những thành tựu đạt được trong 45 năm qua tạo nền tảng vững chắc để quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan ngày càng phát triển tốt đẹp.
Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng phát triển của hai nước, Quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới./.