NATO có thể đạt thoả thuận thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung
Berlin mong muốn đạt được thỏa thuận với các đối tác khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc thiết lập hệ phòng thủ tên lửa chung tại hội nghị diễn ra vào giữa tháng 10 tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin mong muốn đạt được thỏa thuận với các đối tác khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc thiết lập hệ phòng thủ tên lửa chung tại hội nghị diễn ra vào giữa tháng 10 tới.
Trong một bài trả lời phỏng vấn được hãng tin Reuters đăng tải ngày 16/9, Bộ trưởng Lambrecht nhấn mạnh: “Tại hội nghị tới đây của các bộ trưởng NATO, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được thoả thuận về hệ thống phòng không chung.”
Phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức ám chỉ tới hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/10 ở Brussels (Bỉ).
[Mỹ-Nga-Trung chạy đua phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới]
Bộ trưởng Lambrecht cho biết bà chưa thể cung cấp thông tin chi tiết về các đối tác liên quan bởi tiến trình đàm phán vẫn chưa hoàn tất.
Tuy nhiên, bà xác nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel cũng là một ứng cử viên sáng giá.
Quan chức quốc phòng Đức chia sẻ: “Chúng tôi đã đàm phán với Israel và Mỹ, cũng không có gì bí mật về việc Arrow 3 là hệ thống có thể lấp khoảng trống năng lực của chúng tôi.”
Hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow 3 có thể bay xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất, nơi các đầu đạn tách ra để diệt nhiều mục tiêu.
Những vụ bắn hạ tầm cao như vậy nhằm mục đích phá hủy một cách an toàn các loại tên lửa hạt nhân, sinh học hoặc hóa học đang bay tới.
Ngoài Arrow 3, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất cũng là một đối thủ đáng gờm khác.
Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Đức Eberhard Zorn xác nhận Berlin đang cân nhắc mua hệ thống phòng không của Israel hoặc Mỹ để phòng thủ trước các mối đe doạ, chẳng hạn như các tên lửa Iskander của Nga được triển khai tại Kaliningrad có thể phóng tới hầu hết địa điểm ở Tây Âu./.