Nasdaq và S&P 500 tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau báo cáo lạm phát của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiếp tục tăng 1,14%, lên 16.274,94 điểm, sau có có thời điểm leo lên mức đỉnh mới là 16.302,24 điểm vào giữa phiên.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch cuối tuần này, giúp chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Các nhà đầu tư dự báo rằng các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn là "lá bài" tốt nhất để tham gia vào thị trường trong bối cảnh lạm phát chững lại và sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo sắp tới.
Diễn biến ảm đạm vào đầu tuần không giúp chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần đi lên, song không ngăn nổi bước tiến của chỉ số Nasdaq và S&P 500.
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/2, Phố Wall đã thất bại trong việc duy trì đà tăng ở đầu phiên, khi các nhà đầu tư thận trọng hướng sự chú ý đến một loạt số liệu kinh tế sắp được công bố những ngày sau đó.
Nhà kinh tế Hugh Johnson, người đã chỉ ra nhiều quan điểm khác nhau về những gì Fed sẽ làm vào năm 2024, cho biết có rất nhiều điều không chắc chắn về chính sách của Fed.
Số liệu này có thể cho thấy manh mối rõ ràng hơn về thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau sự gia tăng của các thước đo lạm phát khác, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất.
Việc đơn hàng thiết bị vận tải của Mỹ giảm mạnh khiến đơn hàng hàng hóa lâu bền giảm mạnh hơn ước tính, cho thấy khả năng lĩnh vực chế tạo yếu.
Lòng tin tiêu dùng cũng giảm trong tháng 2/2024, dưới mức ước tính của thị trường. Nguyên nhân được cho là do lo ngại về sự giảm tốc của thị trường lao động và bất đồng chính trị đang tiếp diễn.
Đáng chú ý, phiên 29/2 chứng kiến đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán Mỹ, đưa chỉ số Nasdaq Composite lên mức cao kỷ lục, sau khi báo cáo lạm phát mới nhất củng cố tâm lý nhà đầu tư về khả năng Mỹ sẽ giảm lãi suất trong năm nay.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - trong tháng 1/2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 2,6% trong tháng 12/2023.
Lạm phát toàn phần chậm lại có thể khuyến khích Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất trong 23 năm. Tuy nhiên, lạm phát lõi (loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động) vẫn tăng 0,4% so với một tháng trước đó, cho thấy lạm phát cơ bản vẫn tăng từ tháng 12 năm ngoái đến tháng Một năm nay.
Chuyên gia Steve Sosnick của công ty môi giới tài chính Interactive Brokers cho biết, giới đầu tư đã bắt đầu ngày giao dịch với nỗi lo rằng lạm phát tại Mỹ có thể trở nên "nóng" hơn dự kiến. Nhưng số liệu đã như mong đợi và nhà đầu tư đã nhẹ nhõm hơn.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 1/3, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiếp tục tăng 1,14%, lên 16.274,94 điểm, sau có có thời điểm leo lên mức đỉnh mới là 16.302,24 điểm vào giữa phiên.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,80% lên 5.137,08 điểm, lần đầu tiên đóng cửa trên ngưỡng 5.100 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 90,99 điểm (tương đương 0,23%) lên 39.087,38 điểm.
Cổ phiếu của "gã khổng lồ" ngành sản xuất chip Nvidia, vốn đã dẫn đầu đà leo dốc công nghệ khi bứt phá hơn 260% trong 12 tháng qua, đã tăng thêm 4% vào phiên 1/3.
Đây cũng là lần đầu tiên Nvidia đóng cửa với mức định giá thị trường trên 2.000 tỷ USD. Cổ phiếu Meta cũng tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần này.
Chứng khoán Mỹ tăng ngay cả khi ngân hàng địa phương New York Community Bancorp gặp khó khăn, với cổ phiếu ngân hàng này sụt 25,9% sau khi thông báo thay đổi lãnh đạo và tiết lộ các vấn đề với hệ thống kiểm soát nội bộ.
Cổ phiếu của ngân hàng New York Community Bancorp lao dốc hơn 65% trong năm 2024, với một số nhà đầu tư lo ngại đây là dấu hiệu của một đợt cải tổ bất động sản trên diện rộng sắp tới./.