Năng suất lao động và cải cách tiền lương: Bài toán 'con gà-quả trứng'
Bài toán khó đối với Việt Nam hiện nay là cần tăng lương trước cho người lao động để kích thích tăng năng suất hay ngược lại, người lao động phải tăng năng suất để tạo tiền đề cho việc tăng lương.
Ngày 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó có việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhằm tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội, khả năng cạnh tranh và tiềm lực kinh tế của đất nước.
Năng suất xã hội-năng suất cá nhân phải thuận chiều
Năng suất lao động xã hội là chỉ số chính xác nhất để đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội.
Năng suất lao động xã hội chính là năng suất lao động của quốc gia, là chỉ tiêu để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế một quốc gia.
Tăng năng suất lao động xã hội tức là tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và nâng cao vị thế của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu; là tăng cường hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; giảm thời gian làm việc của người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
[Chương trình Quốc gia về Tăng năng suất lao động đến năm 2030]
Nếu năng suất lao động xã hội và năng suất lao động cá nhân có mối quan hệ thuận chiều, tức cả hai đều có sự tăng trưởng, thì đây là điều lý tưởng cho quốc gia vì đạt mục đích “vừa ích nước, vừa lợi nhà."
Tổng cục Thống kê cho biết bảy yếu tố cơ bản tác động đến năng suất lao động ở Việt Nam, gồm: năng suất lao động của doanh nghiệp; cơ cấu kinh tế và lao động; năng suất lao động các ngành và quá trình chuyển dịch lao động; máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất; chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo; trình độ tổ chức, quản lý trong sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực; quá trình đô thị hóa.
Bình quân trong hai năm 2021-2022, năng suất lao động xã hội ở nước ta chỉ tăng 4,65%/năm, thấp hơn so với con số 6,5% bình quân/năm trong mục tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Năng suất lao động xã hội năm 2023 cũng ước đạt tăng 4,5%. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp mức tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra.
Việc tăng trưởng năng suất lao động xã hội ở Việt Nam không đạt kỳ vọng trong những năm vừa qua có lý do khách quan như dịch bệnh và sự tác động từ tình hình kinh tế toàn cầu bị xáo trộn.
Trong năm 2021 năng suất lao động không tăng nhiều so với năm 2020, lý do là nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19.
Sau đó, xảy ra tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm tại các doanh nghiệp xuất khẩu và công nhân buộc phải tìm những việc làm phi chính thức.
Tổng cục Thống kê cho biết hiện tại nước ta có 33,6 triệu lao động (tương đương 68,5% tổng số lao động) đang đảm đương những công việc phi chính thức, ở mức cao so với thế giới và chủ yếu làm “xe ôm,” taxi công nghệ, bán hàng rong, các việc không ổn định.
Tuy nhiên, năng suất lao động xã hội ở Việt Nam ở mức thấp phần lớn do các nguyên nhân nội tại như tình trạng máy móc, thiết bị chưa tiên tiến, sự đầu tư công nghệ chưa cao, trình độ nhân lực hạn chế…
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, theo đánh giá của Nghị quyết số 27-NQ/TW, “còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động."
Cải cách tiền lương - giải pháp cần sử dụng linh hoạt
Bài toán khó đối với chúng ta hiện nay là cần tăng lương trước cho người lao động để kích thích tăng năng suất hay ngược lại, người lao động phải tăng năng suất để tạo tiền đề cho việc tăng lương.
Mối quan hệ theo kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước” gây ra cuộc tranh luận kéo dài giữa các chuyên gia, những người có liên quan.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc tăng lương chạy trước tăng năng suất làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại. Việc phân tích ở mức độ doanh nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân và FDI trong các ngành chế biến, chế tạo đã chỉ ra rằng tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp.
VEPR đưa ra khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với sự tăng trưởng năng suất lao động. Hơn nữa, nếu coi tăng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội sẽ không phát huy hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (Đoàn thành phố Hà Nội) nêu rõ rằng giải pháp tăng lương cho cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề về năng suất lao động. Ông đặt câu hỏi nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trên thế giới?
Ngoài tăng lương thì chúng ta cần nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động.
Người lao động được hưởng nhà ở xã hội, con cái học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ…
Những giải pháp này đã được một số nước trên thế giới đang áp dụng và cũng là chính sách ưu đãi thu hút nhân lực vào khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao trong khi việc tăng lương khó có thể gánh vác hết.
Mặt khác, phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, bởi năng suất thấp có nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân.
Trái ngược với quan điểm này, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng trước tiên cần đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương: chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh có quan điểm “mềm mại” hơn. Nhận định về tác động của việc tăng lương đối với năng suất lao động, ông cho rằng đây là một yếu tố rất quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định.
Theo ông, năng suất lao động của người Việt Nam hiện rất thấp so với ở các nước trong khu vực và thế giới và không phải cứ tăng lương thì tăng được năng suất lao động. Tăng lương chỉ là một phần điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy tăng năng suất lao động, một yếu tố giúp cải thiện đời sống vật chất cho người lao động để họ làm việc tốt hơn. Tăng lương là điều kiện rất quan trọng để bảo đảm đời sống, sức khỏe và thúc đẩy tăng năng suất lao động, song tăng lương không thể làm cho năng suất lao động tăng vọt ngay lập tức.
Tiền lương rất quan trọng nhưng không phải yếu tố duy nhất để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác, trong đó có vai trò của cơ quan, tổ chức đối với việc đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho người lao động; yếu tố công nghệ, cùng với sự nhiệt tình, đam mê, tính chuyên nghiệp của người lao động…
Điều quan trọng nhất là Nhà nước cần có cơ chế đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động; cơ quan, tổ chức và chủ sử dụng lao động chú trọng áp dụng công nghệ (tăng cường số hóa trong xử lý công việc...) và có yêu cầu bắt buộc với người lao động; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý… đều sẽ giúp tăng năng suất lao động.
Điều quan trọng nữa là các cơ quan phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức-viên chức chuyên nghiệp, có đam mê, lấy cái nghề mình đang theo là “nghiệp” và nhiệt tình với nghề.
Trong khi đó, theo Tiến sỹ Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), quan niệm “tăng năng suất trước rồi mới tăng lương” nếu được áp dụng chung cho tất cả các ngành và lĩnh vực sẽ làm nảy sinh một số bất cập.
Đối với ngành có sử dụng nhiều lao động với năng suất lao động xã hội đã đạt mức tối ưu rồi thì việc phải tăng năng suất trước rồi mới tăng lương sẽ cản trở sự nâng cấp xã hội, cản trở mục tiêu phát triển bền vững. Điều này có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: việc không tăng lương tối thiểu một khi năng suất chưa tăng sẽ tiếp tục kích thích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều nhân lực, không thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ, dẫn tới không thể đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất.
Lương thấp cũng là nguyên nhân của các cuộc ngừng việc tập thể tự phát ở Việt Nam trong nhiều năm qua, khi đó năng suất lao động sẽ trở về số không. Nâng lương tối thiểu luôn là mong muốn của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn và mức lương chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Việc này là cần thiết.
Về phía doanh nghiệp, tâm lý chung là không muốn tăng lương vì sẽ làm tăng chi phí lao động và ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị. Trong nhiều lý do từ chối tăng lương của phía giới chủ thì có lập luận rằng năng suất lao động Việt Nam thấp nên không thể tăng lương với mức tăng cao.
Quan niệm “tăng năng suất trước rồi mới tăng lương” chỉ phù hợp đối với các ngành dựa trên vốn và công nghệ. Vốn và công nghệ là yếu tố chính đóng góp cho tăng năng suất và khi đó người lao động sẽ được tăng lương.
Tiến sỹ Phạm Thị Thu Lan nhấn mạnh gắn việc tăng lương với tăng năng suất lao động cần áp dụng một cách phù hợp đối với từng lĩnh vực và ngành nghề cụ thể.
Về quan điểm chỉ đạo việc cải cách tiền lương, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” nêu rõ: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Căn cứ vào Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quốc hội ngày 10/11/2023 đã quyết nghị: Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở; bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn cào bằng giữa mọi ngành như hiện nay.
Lương sẽ được trả theo vị trí việc làm, đồng nghĩa với việc người mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại./.