Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật
Nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc tiếp tục đổi mới tư duy, từng bước nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển.
Sáng 21/10, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc.
Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị và nội dung của Kỳ họp tiếp tục có đổi mới, đồng thời kỳ vọng công tác xây dựng pháp luật sẽ từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học
Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, khánh tiết... Đặc biệt, kỳ họp lần này là kỳ họp cuối năm có khối lượng công việc trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua là rất lớn (cả về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao).
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và các báo cáo thẩm tra đạt chất lượng cao. Tất cả các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến đầy đủ, kỹ lưỡng. Cùng với đó, công tác đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, nghị quyết được tiến hành kịp thời, thường xuyên, bảo đảm đáp ứng các điều kiện và yêu cầu về chất lượng trước khi trình ra Quốc hội.
Có thể thấy, Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công tác lập pháp là rất lớn, nhiều hơn so với các kỳ họp trước, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có nhiều đổi mới trong cách làm; với tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương, các báo cáo, hồ sơ, tài liệu thường xuyên, liên tục được cập nhật, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, góp ý vào các dự án luật và dự thảo nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết đây là Kỳ họp với khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã sẵn sàng tinh thần làm việc ngoài giờ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đối với các dự thảo luật chưa được tiếp cận, các đại biểu cũng chuẩn bị tâm thế để khi các tài liệu được chuyển tải hết thì tập trung nghiên cứu để có được những ý kiến chất lượng nhất, góp phần hoàn chỉnh các dự án luật...
Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác, trong đó Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Bên cạnh đó, trong kỳ họp còn rất nhiều nội dung quan trọng trong thời gian 29,5 ngày họp.
Đại biểu tỉnh Bình Dương kỳ vọng những dự án Luật sẽ được thông qua theo đúng kế hoạch, trong đó cần ưu tiên một số luật rất quan trọng như Luật Đầu tư công (sửa đổi) để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Nhiều vấn đề mà cử tri, doanh nghiệp rất đáng quan tâm thì cần được giải quyết nhanh. Quốc hội có thể tìm cách tháo gỡ bằng cách ban hành các nghị quyết riêng để thông qua một số “điểm nghẽn” đang vướng mắc trong luật, nhưng đã được sự đồng thuận cao.
Theo đại biểu, nếu không có nghị quyết riêng mà chờ luật thông qua sau 2 kỳ họp như Luật Điện lực thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án điện, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn điện...
Sau khi nghiên cứu kế hoạch tổ chức, đại biểu cho biết một điểm mới trong kỳ họp lần này là khi bàn về công tác xây dựng pháp luật, các đại biểu Quốc hội chủ yếu thông qua và bàn về những quyết sách lớn chứ không sa đà vào cụm từ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ việc rút ngắn thời gian thảo luận của mỗi đại biểu ở hội trường và tập trung thảo luận ở tổ nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) bày tỏ vui mừng khi có sự đổi mới về công tác xây dựng pháp luật theo quan điểm là xây dựng những bộ luật ngắn gọn và có tuổi thọ cao, rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Về hoạt động giám sát, đại biểu cho rằng chất vấn tiếp tục là hình thức giám sát hiệu quả của Quốc hội. Qua đó, các "tư lệnh ngành" nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại được đại biểu chỉ ra.
Theo đại biểu, ma túy là vấn nạn trên toàn thế giới, hủy hoại sức khỏe nòi giống. Vì thế, đại biểu đề xuất, trong những chương trình mục tiêu quốc gia cần đưa vào nội dung về phòng, chống ma túy.
“Thực tế, lực lượng công an đã phát hiện ra rất nhiều vụ án ma túy lớn ở các địa phương nên cần phải có nguồn lực để đấu tranh, ngăn chặn việc mua bán ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, cũng như có kinh phí đưa người nghiện đi cai," đại biểu nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc tiếp tục đổi mới tư duy, từng bước nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Các đại biểu bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng tinh thần này sẽ được hiện thực hóa, lan tỏa tại Kỳ họp thứ 8 để các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đời sống; thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân./.