Nam Phi yêu cầu quyền phủ quyết cho các ghế của châu Phi tại Hội đồng Bảo an
Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh tình trạng không có đại diện từ một châu lục có 1,3 tỷ dân tại Hội đồng Bảo an đã và đang làm giảm vai trò của Liên hợp quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 13/9 đã hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ đối với 2 ghế thường trực dành cho các quốc gia châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng cho rằng việc bác bỏ quyền phủ quyết sẽ khiến các nước châu Phi trở thành “công dân hạng hai."
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh tình trạng không có đại diện từ một châu lục có 1,3 tỷ dân tại Hội đồng Bảo an đã và đang làm giảm vai trò của Liên hợp quốc.
Ông khẳng định việc từ chối trao cho các quốc gia châu Phi những quyền giống như các nước thành viên thường trực khác tại Hội đồng Bảo an “có nghĩa là chúng tôi một lần nữa trở thành công dân hạng hai.”
Tổng thống Nam Phi tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu và đòi hỏi rằng chúng tôi phải có được sự tham gia nghiêm túc trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi không thể có sự tham gia hạng hai với tư cách là châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.”
Theo ông, quyết định về việc 2 quốc gia châu Phi nào sẽ giữ ghế tại Hội đồng Bảo an sẽ phải do Liên minh châu Phi (AU) quyết định.
Trước đó, hôm 12/9, Mỹ đã công khai lập trường ủng hộ thiết lập 2 ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an dành cho châu Phi, nhưng không tán thành đề xuất mở rộng quyền phủ quyết vượt quá 5 quốc gia thành viên thường trực hiện nay - bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ - tại cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc.
Các quốc gia châu Phi hiện nắm giữ 3 ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an, được phân bổ luân phiên cho các nhiệm kỳ 2 năm. Bất kỳ thay đổi nào về tư cách thành viên trước tiên đều phải được hai phần ba trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua và phê chuẩn.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chịu trách nhiệm giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế và có quyền áp đặt lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí cũng như quyền cho phép sử dụng vũ lực.
Khi Liên hợp quốc được thành lập hồi năm 1945, hội đồng này có 11 thành viên. Số thành viên Hội đồng Bảo an tăng lên 15 nước từ năm 1965, gồm 10 quốc gia được bầu chọn với nhiệm kỳ 2 năm và 5 nước có quyền phủ quyết là Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Anh.
Chương trình cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - vốn đã bị đình trệ từ lâu do những khác biệt giữa các nước thành viên thường trực - cũng cần phải được 5 cường quốc nêu trên nhất trí phê chuẩn./.