Năm học mới, Hà Nội đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trong trường học
Để chuẩn bị cho năm học mới, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy triển khai đồng bộ các biện pháp an toàn cháy, nổ học đường,hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm.
Chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố và các quận, huyện, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, kiểm tra cơ sở vật chất…, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ cho các cơ sở giáo dục trước khi đón học sinh tựu trường.
Sát ngày khai giảng năm học mới, tại trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đa Trí Tuệ (Cầu Giấy, Hà Nội), Công an quận Cầu Giấy đã triển khai thực hiện buổi tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho khoảng 1.300 học sinh và cán bộ, giáo viên của nhà trường.
Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy, các học sinh sẽ được đã cung cấp thông tin tình hình cháy nổ, những thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; bất cẩn sử dụng lửa và ý thức chủ quan trong việc sử dụng điện.
Trong buổi tuyên truyền, các em còn được hướng dẫn cách sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay; cách thoát hiểm khi có cháy xảy ra trong trường học, gia đình; hướng dẫn công tác tự kiểm tra an toàn phòng, chống cháy, tránh sự cố cháy xảy ra trong nhà trường và trong sinh hoạt gia đình.
Sau khi hoàn thành tham gia phần thực hành sử dụng bình chữa cháy dập lửa, một học sinh cho biết, khi có kiến thức, kỹ năng, em có thể tự cứu mình, cứu gia đình mình. Qua đây, em sẽ tích cực tuyên truyền cho mọi người về phòng, chống cháy nổ để nâng cao cảnh giác với “giặc lửa.”
Tương tự, mới đây Công an quận Hà Đông cũng đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống cháy nổ tại trường tiểu học Lê Lợi. Thông qua buổi tuyên truyền về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, các cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi có thêm các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động phòng cháy, chữa cháy, ứng dụng có hiệu quả trong công tác tự phòng cháy, chữa cháy tại gia đình, lớp học, nơi làm việc; góp phần hạn chế cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Trung tuần tháng Tám, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất, Công an huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các đội viên đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở của các trường học trên địa bàn.
Ngoài ra, Công an huyện còn lồng ghép nội dung phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường trong năm học mới.
Cùng với việc tổ chức tại trường, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã đưa học sinh đến tham quan trải nghiệm, thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an thành phố Hà Nội tại quận Thanh Xuân.
Em Nguyễn Tiến Minh, Trường Trung học cơ sở Tây Đằng (Ba Vì) cho biết tại Trung tâm em cũng như các bạn được trải nghiệm, thực hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: thoát nạn bằng sử dụng xe thang; giải vòi chữa cháy; thực hành phun nước vào hộp tiêu điểm; cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas; kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn.
Những kiến thức được trải nghiệm sẽ giúp em có thêm vốn hiểu biết, từ đó chủ động ngăn chặn các mối quy cơ cháy nổ có thể xảy ra tại gia đình, trường học.
Còn tại Quận Long Biên, việc tổ chức các giờ học, các hoạt động ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc làm thường xuyên được các nhà trường tổ chức lồng ghép trong các giờ học chính khoá, ngoại khoá nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn thương tích.
Vừa qua, phòng Giáo dục và Đào tạo quận này đã tổ chức hoạt động chuyên đề hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng chống đuối nước và phòng cháy, chữa cháy tại trường Tiểu học Đoàn Kết.
Chương trình được tiếp sóng trực tiếp trên 2 nền tảng YouTube và Fanpage của ngành giáo dục Quận Long Biên đến 100% giáo viên, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận với 1.603 lớp tham gia theo dõi.
Trực tiếp theo dõi các học sinh trải nghiệm các tình huống giả định: di chuyển thoát nạn khi có cháy, bị lửa bén vào áo, quần, kỹ năng chống đuối nước…, ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên cho biết phòng chống cháy nổ trong nhà trường và chống đuối nước cho học sinh là 2 kỹ năng vô cùng quan trọng trong số những kỹ năng các nhà trường cần cung cấp cho học sinh, đặc biệt là vào thời điểm nghỉ hè, thời tiết nắng nóng; hành trang quan trọng để các em bước vào năm học mới.
Nhận thấy lợi ích của kỹ năng sống sẽ giúp các học sinh hạn chế tối đa xảy ra tai nạn thương tích, ông Trình đề nghị các nhà trường tiếp tục nghiên cứu, triển khai dưới nhiều hình thức, lồng ghép với các hoạt động giáo dục chính khoá, ngoại khóa.
Các trường cần xây dựng tình huống giả định tuyên truyền cho học sinh để học sinh trải nghiệm hình thành kỹ năng trong các tiết chào cờ đầu tuần. Mỗi nội dung thực hiện trong toàn trường ít nhất 30 phút.
Cùng với ngành giáo dục, trước năm học mới, Công an thành phố đã chỉ đạo công an an các địa phương rà soát các cơ sở giáo dục về công tác đảm bảo cháy nổ, chuẩn bị cho năm học mới an toàn.
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, cơ sở giáo dục là nơi thường xuyên tập trung đông người, có nhiều nguyên nhân gây cháy, nổ: do cháy lan từ nơi khác đến, do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy; do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra trong quá trình thi công các hạng mục phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng.
Để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã triển khai đồng bộ các biện pháp an toàn cháy, nổ học đường, phối hợp với nhà trường rà soát các điểm tiềm ẩn nguy cơ như phòng thí nghiệm, thư viện, bếp ăn, nhà để xe để kịp thời phát hiện, xử lý, thay thế thiết bị, dụng cụ xuống cấp, hư hỏng; hạn chế mức thấp nhất xảy ra sự cố hỏa hoạn; đảm bảo an toàn cho thầy và trò có môi trường học tập thuận lợi./.