Nam Định: Không có tàu cá, thuyền viên vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài
Qua theo dõi và đánh giá của các ngành chức năng, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo các khuyến nghị của EC có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm khai báo, sổ nhật ký.
Tỉnh Nam Định có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn cùng đông đảo lực lượng lao động trên biển. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhận thức của ngư dân về khai thác thủy sản được nâng lên rõ rệt, không có tàu cá hay thuyền viên nào vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Nam Định đang nỗ lực cùng với các địa phương ven biển cả nước phát triển nghề cá có trách nhiệm với quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Với 72km bờ biển trải dài qua 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng cùng vùng biển rộng khoảng 6.108km2, nghề đánh bắt tại Nam Định đã phát triển từ lâu đời trải qua nhiều thế hệ, hoạt động theo kiểu tự do. Khi thực hiện theo khuôn khổ các quy định của pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh gặp không ít khó khăn. Nhưng qua tuyên truyền, đến nay nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU đã thay đổi rõ rệt.
Trước mỗi chuyến đi đánh bắt dài ngày trên biển, ông Vũ Văn Tắc, ngư dân xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, đều mang đầy đủ các loại giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ chuyên môn… đến Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh và Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá của tỉnh để xin giấy xuất bến. Việc này thời gian gần đây đã trở thành thông lệ đối với ông Tắc và chủ tàu khác trên địa bàn.
Ông Vũ Văn Tắc cho rằng xin giấy phép ra khơi bây giờ đã trở thành một thói quen đối với ngư dân, việc này cũng rất đơn giản chỉ cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ là cán bộ ở Đồn biên phòng và Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá sẽ làm rất nhanh. Hơn nữa trong quá trình đánh bắt trên biển và khi trở về cảng, hầu hết các tàu cá hiện nay đều tuân thủ các quy định bật thiết bị giám sát hành trình, ghi chép nhật ký khai thác và khai báo sản lượng thuỷ sản.
Theo bà Cao Thị Nga, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Nam Định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, ý thức của các chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn thời gian gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt, từ chỗ không hợp tác, làm theo kiểu chống đối thì giờ đã trở thành thói quen. Đa số các tàu đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển.
Đến hết tháng 9/2024, Nam Định đã thực hiện đánh dấu được 100% tàu cá đang hoạt động. Tỉnh cũng cập nhật thông tin 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (Vnfishbase). Số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 549/559 tàu đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,21%. Còn 10 tàu đã đăng ký nhưng chưa lắp thiết bị VMS do chủ tàu mới đăng ký, chưa có nhu cầu hoạt động, hiện nay các tàu này đang nằm bờ không hoạt động.
Với sự nỗ lực vươn khơi và ứng dụng công nghệ trong khai thác, trong 9 tháng vừa qua, ngư dân Nam Định khai thác được 47.399 tấn hải sản các loại, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác biển 45.245 tấn, tăng 1,9%. Qua theo dõi và đánh giá của các ngành chức năng, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đã có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác.
Để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng,” Nam Định thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa khâu kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển và tại các cảng cá; ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU; kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi những tàu không đảm bảo yêu cầu theo quy định; xác minh, xử lý các tàu cá không duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển…
Theo ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định, ngoài việc triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp chống khai thác IUU, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng tập trung đầu tư, huy động nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản; thành lập thêm các tổ, đội, tổ hợp tác khai thác thủy sản; cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi theo hướng phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh Nam Định khuyến khích phát triển các đội tàu có công suất lớn hơn 300CV để khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần thủy sản. Nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá nhằm đảm bảo đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. Hiện Nam Định có 2 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào sử dụng gồm một cảng cá loại I (Cảng cá Ninh Cơ) và một cảng cá loại III (Cảng cá Thành Vui) cơ bản đảm bảo tàu, thuyền neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, cung cấp xăng dầu, thực phẩm và thu mua hải sản.
Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định, cho biết thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ tập trung cơ cấu lại đội tàu khai thác trên biển theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác gần bờ, tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết như tổ đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực khai thác xa bờ. Đồng thời, đầu tư hệ thống hậu cần, thông tin liên lạc đảm bảo giám sát hoạt động của tàu cá nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững đáp ứng các quy định quốc tế.
Tính đến ngày 15/10 vừa qua, Nam Định đã xử phạt vi phạm hành chính 191 vụ với các lỗi vi phạm như: thuyền trưởng không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn; giấy phép khai thác thuỷ sản hết hạn.../.