'Nam Định cần tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư'

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, với nhiều lợi thế Nam Định cần tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng trải nghiệm của nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024, diễn ra chiều 6/3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học. Tỉnh đã giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nam Định hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế trở thành một cực phát triển quan trọng của Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Theo Phó Thủ tướng, để đạt được những mục tiêu trên, Nam Định cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng trải nghiệm của nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Bên cạnh đó, Nam Định cần tiếp tục phát huy truyền thống khoa cử, hiếu học để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo, trở lại làm việc tại Nam Định bằng điều kiện phát triển, cơ hội nghề nghiệp, nhà ở và môi trường sống chất lượng với các dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại các đô thị.

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Nam Định sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng.

Nam Định tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Nam Định quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế" nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Trong đó, 3 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp-nông; vùng kinh tế biển. Bốn trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị trung tâm với thành phố Nam Định mở rộng; trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; trung tâm đô thị Cao Bồ; trung tâm đô thị Giao Thủy. Năm hành lang kinh tế gồm: Hành lang Quốc lộ 10; hành lang Cao tốc Bắc-Nam nối dài; hành lang kinh tế ven biển; hành lang Quốc lộ 21; hành lang cao tốc CT.08.

Nam Định tiếp tục khai thác 6 khu công nghiệp đã được thành lập, quy hoạch phát triển thêm 10 khu công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2030 là 2.546ha.

Ngoài ra, Nam Định tập trung phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của tỉnh, là một trung tâm kinh tế biển phát triển, có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh Nam Định trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cho rằng, Quy hoạch đã đáp ứng niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về những cơ hội phát triển mới, hướng đến mục tiêu khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, để sớm đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp chính quyền trong tỉnh cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng của Quy hoạch để triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra; xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch, từ đó phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nam Định trao các Quyết định chủ trương đầu tư, Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 276 triệu USD; trao 9 Biên bản ghi nhớ về đầu tư các dự án tại tỉnh Nam Định trên các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ.../.