Năm 2024: Dấu ấn về kỷ lục các ca hiến tạng sau chết não tại Việt Nam

Trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có tổng cộng 36 ca hiến tạng từ người cho chết não. Riêng trong năm 2024, cả nước đã có 41 người hiến tạng chết não.

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận 41 ca chết não hiến tạng, đây là con số kỷ lục của nước ta tính đến thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng năm 2024 và định hướng phát triển năm 2025 diễn ra chiều 7/1 tại Hà Nội.

27 bệnh viện, trung tâm tham gia ghép tạng

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trải qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên tháng 6/1992, đến hết năm 2024, các bác sỹ tại Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca ghép tạng, với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Ba năm trở lại đây, mỗi năm đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn năm 2024 cũng là năm mà chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam. Thực hiện lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hi vọng - Gieo mầm sự sống" vì "Cho đi là còn mãi", trong năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ra đời, không chỉ ở các cơ sở y tế công lập mà các cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia vô cùng mạnh mẽ.

"Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó, và con số thực tế ghi nhận được trong năm 2024, số người bệnh hiến tạng sau chết não là 41 ca, đây là con số kỷ lục của Việt Nam và tôi tin rằng, với sự hoạt động năng nổ, tích cực và vô cùng hiệu quả của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cùng các chi hội trực thuộc, con số này sẽ gia tăng không ngừng," Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho hay trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có tổng cộng 36 ca hiến tạng từ người cho chết não. Riêng trong năm 2024, cả nước đã có 41 người hiến tạng chết não.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2024, số ca ghép tạng từ người cho chết não đã tăng 173% so với năm 2023. Bên cạnh đó, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não đã tăng gấp 3 lần. Với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ trong 3 năm nữa Việt Nam sẽ có số ca hiến tạng từ người cho chết não bằng với Hàn Quốc.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đánh giá với tinh thần vươn lên làm chủ kỹ thuật cao của ngành y tế, thành tựu về hiến-ghép tạng trong năm qua là kết quả của sự nỗ lực rất lớn; trong đó có việc thành lập các đơn vị tư vấn hiến tạng, hoạt động tích cực tại các bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã thành lập chi hội hiến mô-tạng.

“Chúng ta đã có sự liên kết rất tốt giữa các bệnh viện trong các khâu hiến và ghép tạng. Đây là sự dám nghĩ dám làm, trong khi điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, ngành y đã làm được với tốc độ rất cao. Chưa bao giờ Việt Nam có được thành tích liên tục như vậy. Tương lai Việt Nam sẽ đuổi kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới về kỹ thuật ghép tạng và tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não,” Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích.

Đề xuất cho phép trẻ em, người chết tim hiến tạng

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn cho hay, bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn đó những tồn tại, khó khăn. Tỷ lệ 94% tạng ghép từ người hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp.

Một khó khăn nữa đó là vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Hiện nay trên cả nước chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp.

Ngoài ra, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất, khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này, đặc biệt là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đứng trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế-kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế.

Năm 2025, các đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về hiến ghép mô tạng. Tăng cường thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đăng ký, danh sách chờ ghép, tuân thủ các nguyên tắc điều phối đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch…

Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng từ kinh nghiệm của các năm trước, để nguồn tạng hiến tăng nhiều trong thời gian tới, rất cần có sự ủng hộ mạnh từ 3 phía, đó là: Sự ủng hộ của cả cộng đồng xã hội; sự vào cuộc của ngành y tế, đặc biệt sự quyết liệt từ phía bệnh viện khi tiếp cận gia đình, người bệnh vì nơi đây tập trung vào bệnh nhân chết não tiềm năng; đặc biệt là sự ủng hộ của hệ thống pháp luật.

Từ hiệu quả của số ca hiến mô tạng tăng nhanh trong năm 2024, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và lan tỏa ra các đơn vị khác. Lãnh đạo các bệnh viện cần quyết liệt, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mảng tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng. Đây là điều quan trọng và cần thiết thúc đẩy nguồn hiến mô, tạng trong thời gian tới.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ cho hay trong năm 2025, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó, đề xuất cho phép trẻ em và người chết tim được phép hiến mô tạng. Nếu đề xuất này được chấp thuận có thể sẽ gia tăng nguồn tạng hiến, tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân khác, đặc biệt là trẻ em./.