Mỹ tuyên bố không có kế hoạch sửa đổi học thuyết hạt nhân

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết Washington không có ý định đối đầu với Moskva hay muốn xung đột lan rộng ra khu vực, tuy nhiên khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III tại Căn cứ không quân Vandenberg ở bang California, Mỹ ngày 5/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/11, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không có ý định sửa đổi học thuyết hạt nhân sau khi Nga đưa ra học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Người phát ngôn Karine Jean-Pierre đã thông báo như vậy khi trả lời báo giới ngày 21/11. Bà nêu rõ Chính quyền Mỹ không thấy có bất kỳ lý do nào để thay đổi học thuyết hạt nhân của nước này sau bước đi của Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 ký sắc lệnh phê chuẩn Cơ sở chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, học thuyết hạt nhân cập nhật của nước Nga.

Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cũng tại buổi họp báo, bà Jean-Pierre từ chối bình luận trước những câu hỏi liên quan đến quan điểm của Mỹ đối với tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS, song khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Ukraine trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ.

Trong một phát biểu riêng rẽ cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết Washington không có ý định đối đầu với Moskva hay muốn xung đột lan rộng ra khu vực, tuy nhiên khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Hôm 19/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng vũ trang Ukraine dùng 6 tên lửa ATACMS tấn công vào tỉnh Bryansk của Nga./.