Mỹ trình dự thảo nghị quyết mới kêu gọi ngừng bắn ở Gaza lên Hội đồng Bảo an
Bản dự thảo nghị quyết mới do Mỹ soạn thảo đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài" để bảo vệ dân thường và cho phép viện trợ vào Gaza.
Lần đầu tiên, Mỹ đã gửi một dự thảo nghị quyết tới các nước thành viên Liên hợp quốc, kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức" trong cuộc xung đột giữa Israel-Hamas, đồng thời cảnh báo nạn đói gia tăng ở Gaza.
Mỹ đã chặn các văn bản tương tự trước đây của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên ngày 20/3, Ngoại trưởng Antony Blinken đã xác nhận sự thay đổi quan điểm này.
Phiên bản mới do Mỹ soạn thảo đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài" để bảo vệ dân thường và cho phép viện trợ vào Gaza.
Hiện Liên hợp quốc chưa lên lịch cho việc bỏ phiếu dự thảo trên, song ông Blinken nhấn mạnh việc ủng hộ nghị quyết sẽ gửi đi "thông điệp mạnh mẽ." Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn ngay lập tức nào cũng phải liên quan đến việc Hamas thả các con tin.
Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp 5 ngoại trưởng các nước Arab tại Ai Cập trong ngày 21/3 và sẽ tới Israel vào ngày 22/3. Mỹ và Israel cũng đang thảo luận về tình hình thành phố Rafah ở phía Nam Gaza.
Hàng trăm nghìn người Palestine đã bị dồn đến thành phố này để tránh giao tranh ở nơi khác, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ tấn công trên bộ vào đây. Các quan chức Mỹ kêu gọi Israel tránh cuộc tấn công thảm khốc trên bộ tại khu vực có khoảng 1,5 triệu người này.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán ở Qatar, có sự trung gian của Mỹ, đang xem xét đề xuất của Hamas về lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần nhằm cho phép trao đổi con tin lấy các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ và tăng cường vận chuyển viện trợ.
Cùng ngày, các hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) phân tích cho thấy 35% các tòa nhà ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại trong cuộc tấn công của Israel.
UNOSAT đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao được thu thập vào ngày 29/2 và so sánh chúng với những hình ảnh được chụp trước và sau khi bắt đầu cuộc xung đột mới nhất và phát hiện ra rằng 35% số tòa nhà ở Gaza - tức 88.868 công trình, đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Trong số này, 31.198 công trình bị phá hủy, 16.908 công trình bị hư hỏng nặng và 40.762 công trình bị hư hỏng ở mức vừa phải./.