Mỹ phản đối chiến dịch quân sự kéo dài của Israel ở Liban

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Chính phủ Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận ngoại giao cho phép dân thường trên cả hai phía biên giới được trở về nhà.

Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Beirut, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ chiến dịch quân sự kéo dài của Israel tại Liban.

Israel đã không kích miền Nam Liban, ngoại ô phía Nam thành phố Beirut, thung lũng Bekaa và điều động lực lượng trên bộ tới các khu vực quanh biên giới hai nước.

Chính quyền Liban cho biết chiến dịch này đã khiến hơn 2.500 người thiệt mạng và buộc hơn 1 triệu người phải sơ tán, dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Phát biểu tại thủ đô Doha của Qatar trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ trong khi Israel thực hiện chiến dịch nhằm loại bỏ các mối nguy hiểm nhằm vào Israel và người dân nước này ở biên giới với Liban, Mỹ đã khẳng định rõ cuộc xung đột này “không thể và không nên dẫn tới chiến dịch quân sự kéo dài."

Ông Blinken cho biết Chính phủ Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận ngoại giao cho phép dân thường trên cả hai phía biên giới được trở về nhà. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Israel triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng như lực lượng vũ trang tại Liban.

Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra trong bối cảnh các nỗ lực đang được thúc đẩy để tái khởi động các cuộc đàm phán mới về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận phóng thích con tin ở Gaza.

Qatar và Washington cho biết các nhà thương lượng của Mỹ và Israel có mặt tại Doha để chuẩn bị cho những vòng đàm phán mới xung quanh thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza và trả tự do cho con tin bị Hamas giam giữ.

Trong khi đó, Cơ quan truyền thông Ai Cập Al Qahera News TV cho biết một phái đoàn an ninh Ai Cập đã gặp phái đoàn của các lãnh đạo Hamas tại Cairo, và đây là một phần trong nỗ lực tái tổ chức các thương lượng về thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza.

Tuy nhiên, Hamas vẫn giữ lập trường rằng các con tin sẽ chỉ được thả nếu Israel đồng ý chấm dứt các hành động quân sự và rút lui hoàn toàn.

Cùng ngày, người đứng đầu bộ phận phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Jihad Azour đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chung tay nhằm chấm dứt các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang “nhấn chìm” các quốc gia trong khu vực.

Quan chức này đưa ra lời kêu gọi trên tại Washington, nơi đang diễn ra Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong cập nhật kinh tế mới nhất, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi xuống còn 2,1% trong năm nay, trong khi duy trì mức dự báo 4% trong năm 2025.

Tuy nhiên, các ước tính này không bao gồm tác động kinh tế từ sự leo thang gần đây của xung đột tại miền Nam Liban, nơi Israel đã tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Hezbollah.

Người dân sơ tán tránh xung đột từ ngoại ô Beirut tới Tripoli, Liban ngày 28/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Azour, đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Liban, đã nêu bật những thách thức nhân đạo nghiêm trọng mà các quốc gia như Liban và các vùng lãnh thổ của Palestine phải đối mặt, trong đó có những tổn thất kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ cơ bản như nơi trú ẩn và chăm sóc sức khỏe.

Ông dự đoán khu vực này sẽ phải đối mặt với mức tăng trưởng âm và phải mất một khoảng thời gian dài để phục hồi.

Trong bối cảnh đó, ông Azour kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp các khoản viện trợ để hỗ trợ người dân và giải quyết các nhu cầu cấp thiết.

Cũng trong ngày 24/10, phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo quốc tế ủng hộ nhân dân và chủ quyền của Liban diễn ra tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã một lần nữa kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Liban.

Theo Tổng thống Macron, bạo lực leo thang sẽ không thể chấm dứt được chủ nghĩa khủng bố, cũng như đảm bảo an ninh cho tất cả các bên liên quan.

Ông nhấn mạnh một lệnh ngừng bắn là "nhiệm vụ ưu tiên," đồng thời hối thúc tất cả các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đạt được hòa bình và an ninh lâu dài.

Tổng thống Pháp cũng bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò của Liên hợp quốc và các quốc gia đóng góp để đảm bảo lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UNIFIL) có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Ông Macron tuyên bố rằng Pháp sẽ cung cấp thêm 100 triệu euro (khoảng 108 triệu USD) viện trợ cho Liban, trong khi Liên hợp quốc đang nỗ lực huy động 426 triệu USD để hỗ trợ dân thường Liban chịu ảnh hưởng do xung đột./.