Mỹ nỗ lực duy trì chương trình trợ cấp Internet băng thông rộng
Quốc hội Mỹ đã phân bổ 17 tỷ USD cho Chương trình Kết nối chi phí phải chăng nhằm hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và những người bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể truy cập Internet.
Ngày 25/10, Chính phủ Mỹ đang đề nghị Quốc hội thông qua khoản phân bổ ngân sách 6 tỷ USD cho chương trình trợ cấp Internet băng thông rộng cho 21 triệu hộ gia đình tại Mỹ, vốn sẽ cạn kiệt trong năm tới.
Quốc hội Mỹ đã phân bổ 17 tỷ USD cho Chương trình Kết nối chi phí phải chăng nhằm hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và những người bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể truy cập Internet. Chương trình này được thực hiện dưới hình thức phiếu ưu đãi thanh toán dịch vụ Internet trị giá 30 USD mỗi tháng.
Nhà Trắng ước tính chương trình đã giúp tiết kiệm tổng cộng hơn 500 triệu USD/tháng hóa đơn Internet cho người dùng tại Mỹ. Ngân sách hiện nay cho chương trình được cho là sẽ hết vào tháng 3/2024. Nếu được thông qua, khoản 6 tỷ USD tài trợ bổ sung của chính phủ sẽ giúp kéo dài thời gian triển khai chương trình này đến hết tháng 12/2024.
[Tổng thống Mỹ hối thúc Hạ viện nhanh chóng bầu chọn Chủ tịch mới]
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Chính phủ Mỹ, bà Lael Brainard cho rằng Quốc hội nên hành động nhanh chóng để tài trợ cho chương trình trên, đồng thời ngăn chặn nguy cơ hơn 21 triệu hộ gia đình mất quyền truy cập Internet tốc độ cao với giá cả hợp lý.
Các công ty viễn thông lớn Verizon, Comcast và AT&T đều kêu gọi Quốc hội Mỹ kéo dài thời gian triển khai chương trình này.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện cũng muốn có thêm 3,1 tỷ USD ngân sách cho việc loại bỏ những thiết bị do tập đoàn viễn thông Huawei và tập đoàn ZTE (Trung Quốc) sản xuất khỏi mạng lưới viễn thông Mỹ.
Theo ước tính của Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC), việc tháo dỡ những thiết bị của hai tập đoàn trên, với mục đích loại trừ các nguy cơ an ninh, sẽ tiêu tốn 4,98 tỷ USD. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ chỉ mới phê duyệt khoản chi 1,9 tỷ USD./.