Mỹ lo ngại Ukraine có thể thua ngay trong mùa Đông năm nay

Theo trang mạng của Mỹ, mùa Đông sắp tới có thể là bước ngoặt, Ukraine đang trên bờ vực sụp đổ về năng lượng và Nga đang thể hiện sẵn sàng tấn công những gì còn sót lại của ngành năng lượng Ukraine.

Binh sỹ Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng Politico bình luận các nước phương Tây, trước hết là Mỹ, đang rất lo lắng về nguy cơ Ukraine có thể thua trong mùa Đông này, đồng nghĩa với việc mọi kế hoạch liên quan đến Kiev sẽ sụp đổ.

Chính lo ngại về điều này có thể thúc đẩy Washington dỡ bỏ hạn chế đối với các cuộc tấn công sâu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa phương Tây.

Theo trang mạng của Mỹ, mùa Đông sắp tới có thể là bước ngoặt, Ukraine đang trên bờ vực sụp đổ về năng lượng và Nga đang thể hiện sẵn sàng tấn công những gì còn sót lại của ngành năng lượng Ukraine.

Bài báo cũng đề cập đến tên lửa tầm ngắn của Iran mà quân đội Nga được cho là sẽ sử dụng để tấn công các khu vực hậu phương gần nhất của lực lượng vũ trang Ukraine.

Ngoài ra, với sự trợ giúp của tên lửa, Nga sẽ phá hủy các trạm biến áp quan trọng của các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, dẫn đến việc đóng các lò phản ứng. Việc loại 3 nhà máy điện hạt nhân khỏi hệ thống năng lượng sẽ làm sụp đổ nền kinh tế và làm suy yếu khả năng chiến đấu của Ukraine. Đây là điều Mỹ lo ngại.

Trong bối cảnh đó, Kiev hy vọng lo ngại về một kết quả như vậy sẽ lấn át lo ngại của Washington về việc leo thang hơn nữa và Mỹ vẫn sẽ tạo cơ hội cho Ukraine tấn công tên lửa sâu vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky còn cho rằng ý tưởng chữa cháy này có thể giải quyết được nhiều vấn đề, kể cả việc buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện của Ukraine.

Trong khi đó, trong các ngày 13-14/9, trang web của Nhà Trắng đã đăng thông cáo về cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington D.C và trang web Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng Tuyên bố chung về phiên Đối thoại chiến lược giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy diễn ra từ ngày 10-11/9 ở London.

Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Starmer (giữa bên phải) trong cuộc hội đàm ở Nhà Trắng. (Nguồn: AFP)

Nội dung các văn bản trên cho thấy mối đe dọa từ Nga là một trong những nội dung được giới chức Anh, Mỹ nêu đậm.

Hai bên chia sẻ lo ngại sâu sắc trước việc Iran, Triều Tiên cung cấp vũ khí sát thương (trong đó có tên lửa đạn đạo của Iran) cho Nga, cũng như trước sự ủng hộ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Hai bên thảo luận về những biện pháp để hạn chế các nguồn doanh thu của nền kinh tế và gia tăng sức ép lên “cỗ máy chiến tranh” của Nga.

Tuy nhiên, theo một số tờ báo và hãng tin của Mỹ và Anh như CNN, Bloomberg và The Guardian, một nội dung mà lãnh đạo hai bên đã đề cập nhưng lại không được phản ánh rõ trong các văn bản công khai chính là nguy cơ Nga chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Iran để đổi lấy các khí tài do Iran cung cấp.

Các trang báo dẫn lại nội dung trao đổi của Ngoại trưởng Blinken với người đồng cấp Lammy trong khuôn khổ Đối thoại chiến lược: “Đây là một mối quan hệ hai chiều. Về phần mình, Nga đang chia sẻ một số công nghệ mà Iran mong muốn có được, bao gồm trong các lĩnh vực hạt nhân và không gian vũ trụ.”

Trước đó, tờ New York Times ngày 12/9 dẫn lời một số quan chức châu Âu giấu tên cho biết chính quyền Biden đã “tiến rất gần” đến quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Trả lời phỏng vấn báo chí cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul xác nhận thông tin này, cho rằng đây là kịch bản “có triển vọng.”

Ông McCaul đã cùng 5 chủ tịch ủy ban và tiểu ban khác của Hạ viện Mỹ (đều là các nghị sỹ Cộng hòa) ký thư ngày 10/9 đề nghị Tổng thống Biden sớm gỡ bỏ những ràng buộc cuối cùng đối với quân đội Ukraine, cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để triệt hạ các cơ sở quân sự của Nga.

Trả lời phỏng vấn ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quyết định trên của chính quyền Biden sẽ “đồng nghĩa với việc NATO, Mỹ và các nước châu Âu trực tiếp tham chiến tại Ukraine... và sẽ thay đổi hoàn toàn tính chất cuộc xung đột”./.