Mỹ Latinh không ủng hộ kế hoạch của G7 áp giá trần với dầu mỏ của Nga

Nguyên nhân khiến các Mỹ Latinh không ủng hộ sáng kiến của G7 là do việc áp giá trần với dầu mỏ Nga sẽ làm tăng lạm phát và gây mất ổn định cho các nguồn cung cấp lương thực.

Một cơ sở lọc dầu của Nga. (Ảnh: The Moscow Times/TTXVN)

Các nước Mỹ Latinh có thể sẽ không ủng hộ sáng kiến của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp mức giá trần đối với dầu mỏ nhập từ Nga. Đây là nhận định của Giáo sư, nhà kinh tế người Paraguay Victor Raul Benítez González làm việc tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil.

Theo ông González, nguyên nhân khiến các Mỹ Latinh không ủng hộ sáng kiến của G7 là do việc áp giá này sẽ làm tăng lạm phát và gây mất ổn định cho các nguồn cung cấp lương thực. Ông nêu rõ việc áp giá này "sẽ làm suy yếu nỗ lực của các nước Mỹ Latinh nhằm giảm lạm phát, đồng thời cản trở nỗ lực bảo vệ an ninh lương thực."

[Hội nghị G7: Nhất trí nghiên cứu áp giá trần với năng lượng của Nga]

Trước đó, ngày 28/6, lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Các nước G7 sẽ xem xét đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển trên toàn thế giới, trừ khi nguyên liệu thô ấy được mua bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn mức giá trần mà các đối tác quốc tế chấp nhận thông qua thỏa thuận.

Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để kiềm chế giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án tạm thời áp mức trần giá nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

Các nước thành viên G7 đã tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt. Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế nhằm giới hạn mức giá thanh toán cho dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Cơ chế này gắn dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đường biển với mức trần giá dầu mỏ Nga.

Trong khi đó, Italy, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy mở rộng áp mức giá trần đối với mặt hàng khí đốt. Pháp đề xuất cơ chế áp mức giá trần cần mở rộng ra ngoài các sản phẩm nhập khẩu từ Nga để giảm giá trên diện rộng hơn, trong đó có việc các nước G7 tìm các nguồn cung từ những nơi khác./.

Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)