Mỹ đề cử huân chương cao quý cho nữ VĐV đấu tranh vì bình đẳng nữ giới
Tay vợt huyền thoại Billie Jean King có thể sẽ trở thành nữ vận động viên đầu tiên nhận được huân chương cao quý của Quốc hội Mỹ theo một dự luật mới được đề xuất tại Hạ viện nước này.
Tay vợt huyền thoại Billie Jean King có thể sẽ trở thành nữ vận động viên đầu tiên nhận được huân chương cao quý của Quốc hội Mỹ theo một dự luật mới được đề xuất tại Hạ viện nước này.
Huân chương vàng của Quốc hội Mỹ là giải thưởng dân sự cao quý nhất tại "xứ Cờ hoa." Trong lịch sử mới chỉ có 11 vận động viên nam và 1 đoàn VĐV Olympic Mỹ nhận được giải thưởng này.
Theo thông báo ngày 29/3 từ Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA), dự luật trên do Hạ nghị sĩ Cộng hòa Brian Fitzpatrick (bang Pennsylvania) và Hạ nghị sĩ Dân chủ Mikie Sherrill (bang New Jersey) đồng bảo trợ nhằm tôn vinh nữ vận động viên quần vợt được coi là biểu tượng của nước Mỹ, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, trong thể thao và trong xã hội.
Bà King chia sẻ rất vinh dự khi được xem xét trao tặng Huân chương vàng của Quốc hội Mỹ. Đề cử được đưa ra nhân kỷ niệm 50 năm ra đời quy định trao thưởng có giá trị ngang nhau cho các vận động viên nam và nữ tại Giải quần vợt Mỹ mở rộng.
Hạ nghị sỹ Fitzpatrick gọi bà King là "nhà tiên phong" trong phong trào bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao. Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Sherrill nhận định bà đã mang lại những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của rất nhiều người, một mắt xích quan trọng góp phần đưa phong trào đấu tranh bình đẳng giới của nước Mỹ đạt được thành quả như ngày nay.
[Ngày Quốc tế Phụ nữ: Thu hẹp khoảng cách giới về công nghệ]
Chủ tịch USTA Brian Hainline đã kể lại câu chuyện truyền cảm hứng về nỗ lực của bà King nhằm kêu gọi trao thưởng bình đẳng cho phụ nữ như nam giới sau khi bà vô địch Giải quần vợt Mỹ mở rộng năm 1972. Giải Mỹ mở rộng bắt bắt đầu trao phần thưởng công bằng giữa nam và nữ từ năm 1973.
Cuối năm này, huyền thoại King, hiện 79 tuổi, đã đánh bại tay vợt nam Bobby Riggs trong trận đấu đến nay vẫn còn ghi đậm dấu ấn như “Trận chiến giới tính.” Trước đó, tay vợt Riggs, từng xếp vị trí số 1 thế giới, thường tỏ ý coi thường năng lực của phụ nữ và đã thách đấu với bà King./.