Mỹ: Các biện pháp trừng phạt Houthi không tổn hại tới chuyến hàng thương mại
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington đã nỗ lực đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt Houthi không gây tổn hại cho các chuyến hàng thương mại hoặc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Yemen.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/2 cho rằng lực lượng Houthi ở Yemen đã liều lĩnh tấn công vào các tàu chở hàng quốc tế, thậm chí là tàu dân sự và bắt giữ thủy thủ vô tội.
Hiện lực lượng này vẫn đang giam giữ thủy thủ đoàn của tàu Galaxy Leader, gồm 25 người từ 5 quốc gia khác nhau.
Các vụ tấn công của lực lượng Houthi đã đẩy giá cả các mặt hàng lên cao và gây ra sự chậm trễ trong tiến độ giao hàng, đặc biệt là các mặt hàng cứu trợ nhân đạo quan trọng như thực phẩm và thuốc men đang được chuyển đến địa điểm cấp bách như Sudan, Ethiopia hay chính Yemen.
Nhiều tàu chở thực phẩm và ngũ cốc các quốc gia cần cứu trợ đã trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Houthi.
Phía Mỹ nêu rõ Washington đã nỗ lực đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt Houthi không gây tổn hại cho các chuyến hàng thương mại hoặc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Yemen.
Ngược lại, các hành động của Houthi đang gây rủi ro cho tình hình nhân đạo vốn đã mong manh, làm xói mòn tiến trình hòa bình ở Yemen mà nhiều bên, bao gồm cả lực lượng Houthi, đã dày công đàm phán trong hai năm qua.
Tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh nước này không muốn để xảy ra xung đột ở Biển Đỏ.
Washington và các đối tác sẽ tiếp tục tiến hành các hành động thích hợp để ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng này, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và vận chuyển thương mại, đồng thời đảm bảo hỗ trợ kinh tế và các hoạt động nhân đạo quan trọng cho các nước trong khu vực.
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh lực lượng Houthi tại Yemen đã liên tục tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ với để phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza, sau khi xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023.
Người phát ngôn của tập đoàn vận tải biển Đức Hapag-Lloyd ngày 21/2 cho biết tập đoàn này sẽ chuyển hướng các tàu của mình đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, nhằm tránh các cuộc tấn công của Houthi đang diễn ra ở Biển Đỏ.
Người phát ngôn của Hapag-Lloyd cũng hoan nghênh triển vọng quân đội Đức tham gia sứ mệnh hải quân của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ.
Cũng trong ngày 21/2, Bộ trưởng Lao động và Xã hội Armenia Narek Mkrtchyan đã đề xuất cung cấp cho Ấn Độ một tuyến đường thương mại biển thay thế, đặc biệt là để giao thương với châu Âu, trong bối cảnh Houthi liên tiếp thực hiện các vụ tấn công trên Biển Đỏ.
Đề xuất trên được Bộ trưởng Mkrtchyan đưa ra bên lề Đối thoại Raisina lần thứ 9 ở thủ đô New Delhi.
Bộ trưởng Mkrtchyan nêu rõ: “Chính phủ Armenia cam kết hình thành quan hệ đối tác trong các dự án lớn của khu vực và toàn cầu như Hành lang vận tải Bắc-Nam (INSTC), vận tải Biển Đen-vùng Vịnh, hành lang quá cảnh và phát triển cảng Chabahar, một nỗ lực hợp tác giữa Ấn Độ và Iran.”
Theo Bộ trưởng Mkrtchyan cho biết điều này rất “có ý nghĩa” vào thời điểm mà nhiều quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, đang tìm kiếm các tuyến đường biển thay thế để giao thương với châu Âu và phương Tây, do liên tiếp xảy ra các vụ tấn công nhằm vào những tàu thương mại đi qua Biển Đỏ./.