Mưa trên cánh bướm: Bi kịch khi người phụ nữ tự làm khổ mình
Phim đầu tay của đạo diễn Dương Diệu Linh không muốn củng cố tư tưởng nữ quyền độc hại, mà ngược lại, mang cái nhìn bao dung và cảm thông cho cả hai giới, đặc biệt khi ở độ tuổi trung niên.
“Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh là phim nghệ thuật hiếm hoi “mở bát” phòng vé đầu năm 2025. Kể câu chuyện Việt Nam quen thuộc nhưng nhờ phong cách kể chuyện mới mẻ, phim thắng giải Circolo del Cinema Verona (dành cho phim sáng tạo nhất) tại Liên hoan phim Venice năm 2024.
Không dễ để nắm bắt được tất cả dụng ý của đạo diễn, song phim vẫn được coi như món ăn mới mẻ của điện ảnh Nước nhà, hay như một số diễn đàn đã nhận xét là “một sự pha trộn năng lượng hỗn tạp của các thể loại bi hài kịch, tâm lý và kinh dị.”
“Ai bắt mẹ phải khổ?”
“Mưa trên cánh bướm” xoay quanh bà Tâm (Tú Oanh) - một người phụ nữ trung niên toàn năng, vừa làm tốt công việc kiếm tiền và vừa luôn quán xuyến, chu toàn việc nhà. Tuy nhiên hôn nhân của bà với người chồng - ông Thành (Lê Vũ Long) - đã tắt lửa từ lâu. Trên trần ngôi nhà nơi gia đình bà đang sống, hiện tượng dột nước xuất hiện.
Khoảnh khắc bẽ bàng xảy ra khi bà Tâm đang trên đường đi làm về. Tại trận đấu của đội tuyển quốc gia, máy quay đã lia tới ông Thành và người bồ nhí của mình. Tình huống trớ trêu khiến “trong nhà chưa tỏ mà ngoài ngõ đã tường,” người phụ nữ trung niên chỉ biết cúi đầu tủi nhục trong sự trách móc và bàn tán của những người phụ nữ xung quanh vì đã “quản chồng không đủ chặt.”
Trailer phim:
Nhưng thay vì chọn cách đối thoại, bà Tâm đã tìm đến pháp tâm linh - mời một thầy cúng “uy tín” nổi tiếng trên Tiktok đến làm lễ. Càng lúc, tình hình dột trên trần càng trầm trọng, song chuyện lạ là hiện tượng này hoàn toàn vô hình trước mắt những người đàn ông.
Vết dột dần biến tướng thành một thế lực bí ẩn và u tối, ám vào cuộc sống của bà Tâm và cô con gái Hà (Nam Linh). “Con quái vật” tượng trưng cho sự bất ổn đang âm thầm hủy hoại mỗi người trong gia đình, khiến bà Tâm chống chọi trong vô vọng.
Hiểu hôn nhân của bố mẹ đã rạn nứt từ lâu, với tác nhân là cả hai, Hà tỏ ra bất mãn và bực bội khi mẹ âm thầm nhận mọi lỗi lầm về mình. Cô gào lên “Ai bắt mẹ phải khổ?” còn bà Tâm không có câu trả lời chính đáng nào.
Bốn lần làm phim (mở đầu bằng 3 phim ngắn), Dương Diệu Linh liên tục tái khám phá đề tài người phụ nữ khi bị bao quanh bởi những kỳ vọng của xã hội. Với “Mưa trên cánh bướm,” câu chuyện hình thành từ quan sát của cô với những người phụ nữ quanh mình.
“Cứ 10 câu chuyện đổ vỡ hôn nhân tôi từng nghe các bà các mẹ kể, thì 9 câu chuyện là sự khổ sở, đánh ghen, trả thù, nhưng không bỏ chồng. Câu chuyện bỏ chồng sẽ bị nói tới như một thất bại. Bằng một cách nào đó, danh tính của mình được định danh bằng gia đình, chứ không phải bản thân,” nữ đạo diễn 9X nhận xét.
Theo cô, vì mục đích sinh tồn mà con người luôn hướng đến một sự ổn định và an toàn, nên “việc dứt áo ra đi hay trừng phạt người khác luôn là bước ra khỏi vùng an toàn, từ đó khó để bứt ra.” Đó là bi kịch của bà Tâm. Chính tiêu đề “Mưa trên cánh bướm” ngụ ý cho cái kết của nhân vật này.
Trong một phân cảnh, hai mẹ con cùng nhau leo một ngọn núi đẹp mộng mơ như trong truyện cổ tích, rồi lại dạt ra xa khỏi nhau dưới dòng sông trăng ảo diệu, đẹp tuyệt. Hà rất yêu thương mẹ, song cùng lúc, cô muốn đi thật xa để tự giải thoát bản thân trước khi trở thành tù nhân của chính mình.
“Những người phụ nữ xung quanh mình cũng đang sống theo những kỳ vọng từ xã hội. Phải chu toàn việc nhà, nuôi con, dịu dàng cạnh chồng, làm cho chồng nở mày nở mặt… Nhiều khi những tiêu chuẩn kép ấy không chỉ đến từ xã hội, mà chính những người phụ nữ truyền lại cho nhau qua các thế hệ. Nhưng khi nhận ra hệ thống ấy, thì có ‘bơi’ ra khỏi vùng an toàn hay không lại là quyết định của cá nhân,” Dương Diệu Linh nêu quan điểm.
Khủng hoảng tuổi trung niên không chừa một ai
Trong suốt bộ phim, nhân vật ông Thành gần như không có thoại. Ông tồn tại vật vờ trong ngôi nhà bị dột (nhưng ông không nhìn thấy), với lần duy nhất cười là khi xuất hiện cạnh cô “bồ nhí.” Tuy vậy vai diễn của Lê Vũ Long không thừa thãi mà góp phần làm rõ hơn chủ đề khủng hoảng tuổi trung niên trong “Mưa trên cánh bướm.”
Trong quá trình chu du nhiều liên hoan phim lớn nhỏ, êkíp nhận về những phản hồi rất đa dạng. Trong khi hầu hết khán giả phương Tây đặt câu hỏi về bộ phim đều là nữ giới, còn những khán giả phương Đông thì ngược lại.
“Có thể những khán giả phương Tây không thể hiểu sao một người đàn ông có thể xử sự như vậy trong gia đình. Nhưng khi về Đông Nam Á thì những người hỏi chủ yếu là nam giới. Có lẽ những người hỏi nhận ra ngay vấn đề của người đàn ông châu Á trong phim là gì,” Dương Diệu Linh tự diễn giải cho bản thân.
Cô bày tỏ không muốn khán giả nghĩ phim một chiều, chỉ ủng hộ góc nhìn nữ giới mà xem nhẹ nỗi niềm của đấng mày râu: “Tôi không muốn người xem nghĩ đàn ông là xấu xa, mà họ cũng có những sự đè nén của riêng mình. Lý do gia đình tan vỡ là cả hai bên không thể đối thoại với nhau, và đó cũng là câu chuyện chung của độ tuổi trung niên.”
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (đạo diễn “Thưa mẹ con đi,” “Ngày xưa có một chuyện tình”) nhận xét phim có cả sự hài hước, giễu nhại, dằn vặt và nhẹ nhàng mơ tưởng.
“Linh quan tâm đến những câu chuyện giữa mẹ và con gái, đến sự vắng mặt/ không hiện hữu của người bố, đến chuyện đánh ghen, đến những người phụ nữ miền Bắc hay càu nhàu, ngồi tụ lại bàn về những chuyện chồng con và bế tắc ở trong mớ lằng nhằng đó. Họ yêu thương nhau theo một cách cáu bẳn. Khai thác được câu chuyện đó, cộng thêm giọng điệu riêng của mình, làm nhiều và làm tới cùng, Linh đã bắt đầu để lại những dấu ấn.
Cuối cùng, lỗi chẳng phải ở ai cả, mà ở sự đứt gãy của hôn nhân theo năm tháng, sự bạc bẽo của thời gian, đứt gãy trong cùng thế hệ và khác thế hệ. Mỗi người tìm vào một chốn của riêng mình, cố tìm sự kết nối, nhưng chẳng ai xây dựng, cứ mong ngóng, kỳ vọng, rồi chờ đợi, hoặc cố sửa nhưng bản chất là mọi thứ đã mục rữa rồi,” anh nhận xét.
Các trang báo nước ngoài dành lời khen về chủ đề và cách triển khai của bộ phim. Trang IndieWire có bài nhận xét viết đạo diễn đã sử dụng yếu tố tâm linh trong phim một cách tiết chế, không hù dọa như phim kinh dị thông thường và có khả năng tạo ra những hình ảnh ấn tượng khó phai ngay từ phim đầu tay. “Việc này khiến Linh trở thành một nghệ sỹ đầy hứa hẹn giữa giai đoạn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trên quốc tế.”
Còn Screen Daily nhận xét tác phẩm có phần thị giác hấp dẫn, pha trộn độc đáo giữa chủ nghĩa nữ quyền, văn hóa dân tộc, thói mê tín, thu hút sự quan tâm của các ban giám tuyển liên hoan phim và khán giả.
Bên cạnh giải thưởng sáng tạo, “Mưa trên cánh bướm” còn thắng giải IWONDERFULL Grand Prize (giải thưởng lớn cho phim xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim Venice cùng năm. Phim còn đi nhiều liên hoan phim khác như tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á. Phim được CGV mua bản quyền chiếu tại Việt Nam ngay sau đó. Tuy nhiên phim nghệ thuật thường kén khán giả, vì vậy các suất chiếu hạn chế. Đoàn phim mong có được sự yêu mến và quan tâm của khán giả trong và cả sau thời gian trụ rạp./.