Một loạt thương vụ sáp nhập đáng chú ý trên thế giới
ANZ hiện là một trong 4 ngân hàng lớn của Australia và sẽ nâng cao đáng kể vị thế của mình thông qua thương vụ sáp nhập trị giá 4,9 tỷ AUD (3,3 tỷ USD) với Suncorp.
Ngày 28/6, Chính phủ Australia đã thông qua thương vụ trị giá 3,3 tỷ USD sáp nhập hai ngân hàng ANZ và Suncorp của nước này.
Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers xác nhận ông đã phê duyệt thương vụ sáp nhập dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng sau gần 2 năm được các cơ quan quản lý cấp bang và liên bang xem xét.
Theo Bộ trưởng Jim Chalmers, ông đã nhận được lời khuyên rõ ràng rằng "sẽ không có lợi cho quốc gia nếu cấm thương vụ sáp nhập này."
Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia đã chặn đề xuất của ANZ về việc tiếp quản ngân hàng Suncorp có trụ sở tại bang Queensland vì cho rằng điều này sẽ gây tổn hại đáng kể đối với cạnh tranh. Tuy nhiên, hai ngân hàng đã kháng nghị phán quyết này.
ANZ hiện là một trong 4 ngân hàng lớn của Australia. Ngân hàng này sẽ nâng cao đáng kể vị thế của mình thông qua thương vụ sáp nhập trị giá 4,9 tỷ AUD (3,3 tỷ USD) nói trên.
Tập đoàn viễn thông Swisscom hồi tháng 5/2024 thông báo đã thực hiện bước tiếp theo trong việc tiếp quản Vodafone Italia và đảm bảo nguồn tài chính cho thương vụ này.
Thông báo của Swisscom cho biết, trái phiếu và các khoản vay ngân hàng sẽ được sử dụng để thanh toán giá mua 7,9 tỷ franc (8,6 tỷ USD).
Sau đợt phát hành 1,15 tỷ franc trái phiếu nội địa Thụy Sỹ vào đầu tháng 5, 3,96 tỷ franc trái phiếu châu Âu giờ đây sẽ được bổ sung. Số tiền còn lại sẽ được tài trợ thông qua khoản vay ngân hàng trị giá 2,97 tỷ franc và được chia làm hai đợt.
Cũng trong thông báo, Swisscom cho biết khoản tài trợ đã được hoàn thành với các điều kiện hấp dẫn. Chi phí lãi vay tăng thêm hàng năm ban đầu được ước tính tối đa là 250 triệu franc mỗi năm.
Swisscom cho biết điều này phù hợp với những số liệu được đưa ra khi thỏa thuận được công bố vào tháng 3/2024. Thương vụ trên nhằm mục đích củng cố vị thế của Swisscom tại Italy, nơi họ đã mua lại nhà điều hành Fastweb vào năm 2007. Swisscom cũng cho biết nội các của Chính phủ Italy đã phê duyệt việc mua lại Vodafone.
Vodafone Italia là một công ty viễn thông của Italy và là công ty con của Vodafone. Công ty này có 30.153.000 khách hàng sử dụng điện thoại di động và 3.182.000 thuê bao điện thoại cố định, với thị phần lần lượt là 28,5% và 16%. Trụ sở chính của công ty đặt tại Ivrea và Milan.
Trong những năm qua, Vodafone đã giới thiệu các dịch vụ tại Italy như Vodafone live!, mạng di động 3G, 4G và 5G, DSL, dịch vụ cáp quang và FWA, cũng như nhà khai thác mạng di động ảo cho các tập đoàn khác. Đối thủ cạnh tranh chính của Vodafone Italia ở Italy là Fastweb, Iliad, TIM và Wind Tre.
Theo nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Francois Villeroy de Galhau, hoạt động sáp nhập qua biên giới giữa các ngân hàng ở châu Âu nên được tạo thuận lợi như trong cùng một quốc gia. Mặc dù các quy định và việc giám sát lĩnh vực ngân hàng ở Liên minh châu Âu được tập trung hóa, các thị trường ngân hàng vẫn bị hạn chế ở phạm vi quốc gia.
Theo ông Villeroy, người cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, việc để hoạt động sáp nhập qua biên giới giữa các ngân hàng trong liên minh tiền tệ diễn ra một cách đơn giản, thuận lợi như giữa các ngân hàng trong cùng một quốc gia là điều được mong đợi, hợp logic và bình thường.
Ông nói thêm rằng các quy định hiện nay cho phép sáp nhập, nhưng các khoản phụ phí ở một số nước chủ nhà áp dụng với các chi nhánh là quá quá cao.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tháng này đã nói lĩnh vực ngân hàng của châu Âu cần tăng cường hợp nhất, dù điều đó có nghĩa một ngân hàng lớn ở Pháp có thể bị một đối thủ cũng ở châu Âu thâu tóm.
Trước đó, đề nghị sáp nhập gần đây với Banco Sabadell SA của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria, S.A. (BBVA) có thể tạo đà cho sự chuyển mình của lĩnh vực ngân hàng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), khi đưa BBVA vào nhóm ngân hàng có giá trị tài sản trên 1.000 tỷ USD và trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực về giá trị thị trường.
BBVA đã đưa ra đề nghị sáp nhập với Banco Sabadell, một diễn biến đã gây tranh luận về hoạt động sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu.
Thương vụ này sẽ đưa BBVA gia nhập nhóm ngân hàng có tổng giá trị tài sản trên 1.000 tỷ USD ở Eurozone, chỉ sau các ngân hàng lớn như BNP Paribas, Crédit Agricole, Banco Santander SA, Société Générale SA, và Deutsche Bank AG.
Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ đưa BBVA trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực về giá trị vốn hóa thị trường với ước tính đạt gần 65 tỷ USD, chỉ sau BNP Paribas và Banco Santander./.