Một doanh nghiệp FDI tại TP Hồ Chí Minh tăng vốn đầu tư 158 triệu USD
Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) thông tin, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 271,99 triệu USD, bằng 49,45% kế hoạch năm (550 triệu USD).
Chiều 3/7, tại buổi họp báo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) thông tin, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 271,99 triệu USD, bằng 49,45% kế hoạch năm (550 triệu USD), giảm 65,52% so với cùng kỳ năm 2023 (788,85 triệu USD).
Diện tích đất cho thuê đạt hơn 5 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt hơn 24.900 m2.
Về đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư thu hút đạt 198,82 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 (97,54 triệu USD). Trong đó, cấp mới 10 dự án với vốn đầu tư đăng ký 9,85 triệu USD, giảm 73,46% so với cùng kỳ (37,12 triệu USD).
Có 9 dự án điều chỉnh tăng vốn 188,97 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ (60,42 triệu USD); trong đó dự án Green Planet tăng cao nhất với 158 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư trong nước thu hút đạt 1,792,62 tỷ đồng (tương đương 73,17 triệu USD), giảm 89,42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cấp mới 9 dự án với vốn đầu tư đăng ký 604,9 tỷ đồng (tương đương 24,69 triệu USD), giảm 96,23% so với cùng kỳ; 11 dự án điều chỉnh, vốn điều chỉnh tăng 1.187,72 tỷ đồng (tương đương 48,48 triệu USD), tăng 33,75% so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chánh văn phòng Hepza, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trong khu hoạt động ổn định. Nhiều doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn nhưng nay có đơn hàng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu của khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến tháng 6/2024, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố có 1.715 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,595 tỷ USD.
Trong đó, có 561 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký hơn 7,2 tỷ USD; có 1.154 dự án có vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký hơn 114.983,7 tỷ đồng (tương đương 6,326 tỷ USD).
Tình hình an ninh trật tự tại khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố tương đối ổn định với tổng số 252.100 lao động đang làm việc.
Duy chỉ có 2 vụ tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) và ở Khu chế xuất Linh Trung (thành phố Thủ Đức) do liên quan đến chi trả lương, thưởng KPI (khoản tiền ngoài lương dựa trên đánh giá về năng suất công việc đã hoàn thành) và tiền hỗ trợ cho người lao động khi nghỉ việc nhưng đã được Hepza phối hợp cùng các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời, không để kéo dài, đảm bảo thực hiện chế độ cho người lao động - bà Hương thông tin.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Hepza đã thực hiện 131 lượt kiểm tra công trình xây dựng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối 4 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiểm tra giải quyết khiếu nại 4 trường hợp.
Đồng thời, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” tại Khu công nghiệp Hiệp Phước.../.