Mở thêm cơ hội cho lao động Việt Nam ở lại làm việc tại Hàn Quốc lâu dài
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và cả lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn trong năm 2025 với những chính sách mới.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) vừa thông báo về chính sách mới của Hàn Quốc với những quy định sẽ mở ra cơ hội việc làm tốt hơn tại Hàn Quốc cho lao động Việt Nam.
Lao động thị thực E9, E10 có cơ hội ở lại Hàn Quốc lâu dài
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã công bố Kế hoạch thực hiện thị thực chuyên biệt khu vực năm 2025 nhằm thu hút lao động nước ngoài đến làm việc tại các vùng có dân số giảm. Kế hoạch này sẽ được triển khai từ năm 2025 và kéo dài đến hết năm 2026, với nội dung chính là mở rộng phạm vi các địa phương áp dụng thị thực chuyên biệt theo khu vực và nới lỏng các điều kiện cấp loại thị thực này.
Chính sách mới mở rộng phạm vi áp dụng từ 89 khu vực hiện nay lên tổng cộng 107 khu vực, bổ sung thêm 18 khu vực có nguy cơ suy giảm dân số (xem danh sách tại đây), đồng thời cho phép chính quyền địa phương chủ động xây dựng các chính sách thu hút người nước ngoài phù hợp đặc điểm từng địa phương.
Ngoài ra, kế hoạch mới cũng bổ sung thêm đối tượng được cấp thị thực lao động chuyên môn khu vực E7-4R, theo đó lao động nước ngoài đang sở hữu thị thực lao động phổ thông E9 (lao động phổ thông theo chương trình EPS làm việc trong các ngành như sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp) và thị thực E10 (lao động làm việc trên biển, chủ yếu trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản và các ngành nghề liên quan đến biển(.
Trước đây, lao động có thị thực E9, E10 không thuộc diện được chuyển đổi sang sang thị thực E7-4R. Đây là cơ hội để trở thành lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi để định cư ổn định lâu dài tại các khu vực giảm dân số.
Điều kiện chuyển đổi sang thị thực E7-4R là lao động nước ngoài phải cư trú tại Hàn Quốc từ 2 năm trở lên theo thị thực E9 hoặc E10 và đáp ứng các tiêu chí theo hệ thống tính điểm lao động chuyên môn K-point, bao gồm mức lương, thời gian hợp đồng lao động, trình độ tiếng Hàn hoặc lớp hội nhập xã hội và độ tuổi.

Lao động sở hữu thị thực E7-4R cư trú tại các khu vực suy giảm dân số từ 3 năm trở lên còn có thể chuyển sang thị thực lao động chuyên môn xuất sắc khu vực F2-R để được phép cư trú và làm việc lâu dài tại Hàn Quốc, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi lên thị thực cư trú vô thời hạn F5, đồng thời có quyền bảo lãnh bố mẹ, vợ/chồng, con cái sang cư trú cùng.
Thành viên gia đình của người có thị thực E7-4R cũng được phép làm việc trong các ngành nghề phổ thông tại các khu vực giảm dân số, tương tự như quyền lợi của thành viên gia đình người có thị thực F2-R.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, kế hoạch cũng sửa đổi điều kiện cấp thị thực chuyên môn xuất sắc khu vực F2-R, theo đó lao động phải đạt trình độ tiếng Hàn Topik 4 thay vì Topik 3 như trước đây.
Người sở hữu thị thực F2-R sẽ được tự do tìm kiếm và chuyển đổi công việc tại bất kỳ công ty nào trong các khu vực giảm dân số. Hạn mức lao động nước ngoài được phép làm việc tại một công ty ở khu vực giảm dân số cũng được điều chỉnh tăng từ 20% lên 50% tổng số lao động trong nước tham gia bảo hiểm việc làm.
Với những quy định mới này, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn khi làm việc tại Hàn Quốc, đặc biệt là lao động phổ thông theo chương trình EPS (thị thực E9) và lao động trong lĩnh vực biển (thị thực E10), từ đó mở rộng cơ hội nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài tại Hàn Quốc. Đây được xem là cơ hội lớn để người lao động Việt Nam có thể tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, hưởng những quyền lợi tốt hơn và có khả năng bảo lãnh người thân sang sinh sống lâu dài tại Hàn Quốc.
Tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) cho hay năm nay, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiếp nhận các loại hình lao động khác như: theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài EPS (E9), lao động thuyền viên tàu cá gần bờ (E10), lao động kỹ thuật (E7), lao động thời vụ (C-4 và E8).

Năm 2025, Hàn Quốc đã thông báo phân bổ hạn ngạch lao động thị thực E9 cho Việt Nam là 8.400 người. Hiện nay, lao động E9 làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực: sản xuất chế tạo (lắp ráp, đo lường và nối); xây dựng (các dự án phát triển hạ tầng); nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt); ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản).
Thông tin về các cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Phạm Viết Hương cho biết thời gian gần đây Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài, tăng chỉ tiêu và mở rộng ngành, nghề tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS (E9), bổ sung ngành đóng tàu, dịch vụ; lao động kỹ thuật ngành đóng tàu (E7), lao động thời vụ (E8) và đang xem xét tiếp nhận lao động nước ngoài trong các ngành, nghề dịch vụ và truyền tải điện...
“Đây là cơ hội để các bạn trẻ ứng tuyển các ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng vừa để nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và có thu nhập tốt," ông nói.
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có thể đăng ký tại Sở Nội vụ, Trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương hoặc tại Trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Đối với lao động ngành đóng tàu, dịch vụ (E9), lao động kỹ thuật (E7), lao động thuyền viên tàu cá gần bờ (E10)…, hiện một số doanh nghiệp được phép tham gia và được công khai trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước; người lao động cũng có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố để biết cụ thể, tránh tình trạng bị lừa đảo./.