Mở rộng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và đầu tư Việt Nam-Algeria
Hai bên đã thống nhất cần tiếp tục tích cực trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và thúc đẩy hợp tác, đầu tư đôi bên cùng có lợi.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, từ ngày 1-5/10, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam do Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực, dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Algeria.
Trong các buổi gặp gỡ với đại diện các cơ quan, tổ chức của phía Algeria, hai bên đã thống nhất cần tiếp tục tích cực trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và thúc đẩy hợp tác, đầu tư đôi bên cùng có lợi.
Tại buổi tiếp đoàn vào ngày 2/10, Tổng Bí thư đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria, ông Abdelkrim Benmbarek, nhấn mạnh về mối quan hệ truyền thống, gắn kết và sâu đậm giữa hai dân tộc, đồng thời nhắc lại việc hai đảng đang thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác.
Theo ông, hai bên cần tiếp tục trao đổi để tìm ra phương hướng hiện đại hóa đảng, thu hút sự tham gia của giới trẻ trong điều kiện hiện nay.
Về phần mình, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn khẳng định nhân dân Việt Nam coi Algeria là những người bạn cùng chung số phận và luôn giữ vững tình cảm. Hai bên chia sẻ cùng nhau số phận đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cảm ơn những người bạn Algeria đã đứng về phía Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, đồng thời bày tỏ mong muốn trong điều kiện hiện nay, hai bên sẽ phát triển được mối quan hệ sinh động và có lợi cho sự phát triển của hai đất nước. Đây là thời điểm hai nhà nước rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề xây dựng Đảng và phát triển kinh tế xã hội, kinh nghiệm chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính sách phát triển đất nước, công bằng xã hội…
Chiều 3/10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Algeria, ông Khouane Mohammed, cùng một số nghị sỹ trong đó có nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Algeria-Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, ông Khouane Mohammed đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam nghiên cứu những triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời bày tỏ mong muốn đưa vào thực tế các hiệp định đã được ký kết giữa hai bên (Việt Nam và Algeria đã ký kết tổng cộng khoảng 60 hiệp định).
Ông cũng cho rằng giá trị trao đổi thương mại song phương ở mức 300 triệu USD chưa phản ánh đúng mối quan hệ song phương. Với luật đầu tư mới được chính phủ nước này đưa ra, ông bày tỏ mong muốn phía Việt Nam cân nhắc đầu tư vào Algeria trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Trao đổi với các nghị sỹ Algeria, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn khẳng định hai bên chia sẻ quá khứ và đã ký kết nhiều hiệp định. Trong bối cảnh hiện tại, hai nước có rất nhiều điều kiện và tiềm năng để hợp tác. Algeria sở hữu nhiều tiềm năng to lớn để phát triển các lĩnh vực từ khai thác khoáng sản, chế biến lương thực-thực phẩm đến du lịch.
Về phần mình, Việt Nam cũng phát triển được nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đi nhiều nước, sở hữu nhiều loại nông sản, trái cây nhiệt đới có chất lượng hàng đầu. Việt Nam hiện cũng đón khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế và có 10 triệu người đi du lịch nước ngoài hằng năm…
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn cho biết sau chuyến thăm, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát huy những thế mạnh và tìm ra những hạn chế cần tháo gỡ để đề xuất với lãnh đạo Đảng và nhà nước có phương hướng khắc phục, thúc đẩy sự hợp tác phát triển giữa hai bên cũng như vận động các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư vào thị trường Algeria.
Trước đó cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại một trung tâm của Quỹ Bảo hiểm Xã hội Quốc gia Algeria (CNAS) và trụ sở của Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Quốc gia Algeria (CNESE).
Tại các tổ chức này, đoàn đã có cơ hội tìm hiểu về hệ thống an sinh xã hội Algeria (đối với cán bộ, công chức, người không hưởng lương và cán bộ hưu trí), cũng như cơ chế tư vấn chính sách của Algeria, chia sẻ về các mô hình thành công của Việt Nam cũng như trao đổi về khả năng hợp tác của hai bên trong các lĩnh vực cụ thể./.