Máy bay chiến đấu phản lực KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chuyến bay đầu tiên
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh với KAAN, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chỉ có một loại chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ năm, mà còn có các công nghệ mà ít quốc gia trên thế giới sở hữu được.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 21/2, máy bay KAAN, chiến đấu cơ đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Đây là một phần trong nỗ lực của quốc gia này nhằm nâng cấp lực lượng không quân.
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã khởi động dự án TF-X nhằm sản xuất máy bay chiến đấu riêng.
Công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ TUSAS ký thỏa thuận trị giá 125 triệu USD với đối tác BAE Systems của Anh vào năm 2017 để phát triển chiến đấu cơ phản lực thế hệ mới.
TUSAS đã cho công bố một video ghi lại cảnh chiến đấu cơ KAAN cất cánh và sau đó quay lại một căn cứ không quân ở phía Bắc thủ đô Ankara.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Haluk Gorgun nhấn mạnh với KAAN, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chỉ có một loại chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ năm, mà còn có các công nghệ mà ít quốc gia trên thế giới sở hữu được.
Chiến đấu cơ phản lực mới này ban đầu sẽ sử dụng hai động cơ General Electric F-110, vốn cũng được sử dụng trên các chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ tư F-16 do Lockheed Martin sản xuất.
Theo ông Gorgun, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu sử dụng các động cơ trong nước sản xuất cho KAAN khi máy bay này được sản xuất hàng loạt, dự kiến vào năm 2028.
Ankara mới đây đã đạt thỏa thuận mua từ Mỹ 40 chiến đấu cơ phản lực F-16 và 79 bộ thiết bị hiện đại hóa cho các máy bay F-16 hiện có, sau một thời gian dài quá trình này bị đình trệ.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, vào tháng 12/2020 do việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Washington đã loại Ankara khỏi chương trình chiến đấu cơ phản lực F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng quan tâm đến việc mua 40 máy bay phản lực Eurofighter Typhoon do một tập đoàn liên danh của Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha với các đại diện gồm Airbus, BAE Systems và Leonardo chế tạo./.