Mali: Trúng thiết bị nổ tự chế, 7 binh sỹ MINUSMA bị thương
Đoàn xe với hàng chục phương tiện chở binh sỹ của lực lượng MINUSMA đã rời căn cứ của Liên hợp quốc ở Kidal vào ngày 31/10 để đến Gao, thành phố miền Bắc Mali cách đó 350km, thì gặp nạn.
Ngày 3/11, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết đã có thêm 7 binh sỹ thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA) bị thương trong quá trình rút khỏi quốc gia này do đoàn xe chở họ trúng phải một thiết bị nổ tự chế (IED).
Đoàn xe với hàng chục phương tiện chở binh sỹ của lực lượng MINUSMA đã rời căn cứ của Liên hợp quốc ở Kidal vào ngày 31/10 để đến Gao, thành phố miền Bắc Mali cách đó 350km.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Dujarric cho biết đây là lần thứ 4 đoàn xe chở lực lượng MINUSMA bị trúng phải IED kể từ khi bắt đầu rời căn cứ Kidal.
Ông Dujarric bày tỏ hy vọng đoàn xe sẽ đến được Gao vào cuối tuần này.
Người phát ngôn Liên hợp quốc một lần nữa kêu gọi Chính phủ Mali phối hợp để tạo điều kiện cho việc rút quân của MINUSMA diễn ra thuận lợi.
Trước đó một ngày, 8 binh sỹ của lực lượng trên cũng đã bị thương vì lý do tương tự. Theo ông Dujarric, các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã buộc phải rời đi mà không có sự hỗ trợ trên không do không được chính quyền Mali cấp phép bay.
[Phái bộ Liên hợp quốc ở Bắc Mali hoàn tất việc rút quân khỏi 3 căn cứ]
Điều này làm tăng rủi ro cho lực lượng gìn giữ hòa bình. Ông lưu ý rằng rất khó để xác định khả năng đoàn xe bị nhắm mục tiêu có chủ ý hay thiết bị nổ đã được gài sẵn trên đường trong một thời gian dài.
Tháng 6 vừa qua, chính quyền quân sự ở Mali đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi nước này sau nhiều tháng quan hệ hai bên xấu đi. MINUSMA được triển khai từ năm 2013 tại Mali và đã trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử thánh chiến.
Việc MINUSMA rút lực lượng khỏi Mali đã làm trầm trọng thêm giao tranh giữa các nhóm vũ trang ở phía Bắc Mali, nhằm tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh lính, đến từ 65 quốc gia. Phái bộ này được cho là sứ mệnh nguy hiểm nhất mà Liên hợp quốc đã tham gia, với khoảng 250 binh sỹ giữ gìn hòa bình thiệt mạng trong 10 năm qua./.