Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần phát triển toàn diện 12 ngành công nghiệp văn hóa
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội, tạo thế và lực cho Thủ đô trong vai trò "đầu tàu" của cả nước.
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa quốc gia, có số lượng di tích, di sản, nghệ nhân… đứng đầu cả nước. Chính vì vậy, việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nội dung dành riêng cho văn hóa nhận được sự nhất trí cao của nhiều đại biểu Quốc hội.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đóng góp nhiều “kế sách” để phát triển văn hóa Thủ đô.
Thủ đô 'đi đầu' về văn hóa
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, do đó, việc phân cấp, phân quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết. Đặc biệt, lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ hơn là chỉ tập trung vào kinh tế.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Thủ đô nên chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa, giá trị văn hóa người Hà Nội, đặc biệt các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...
“Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là Thủ đô. Cho nên chúng ta cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Hà Nội. Nhân dân cả nước luôn tin yêu, kỳ vọng ở Hà Nội là một Thủ đô đi đầu,” ông Ngân nói.
Đóng góp ý kiến tại hội trường, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và đáp ứng yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước.
“Các công trình kiến trúc Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử; phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của các vùng miền hiện diện tại Thủ đô; việc quản lý phát triển toàn diện toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt, gồm có đô thị trung tâm và các vùng nông thôn các vùng đô thị bên ngoài theo mô hình là thành phố thuộc Thủ đô,” ông Hoàng Văn Cường nói.
Theo đó, toàn bộ những không gian này, kể cả như vùng nông nghiệp phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được cho phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch; không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần phải được xây dựng các công trình thương mại dịch vụ.
Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, ông Hoàng Văn Cường đề xuất Dự thảo Luật nên phân cấp, trao quyền cụ thể cho cho Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố. Việc trao thẩm quyền rõ ràng sẽ không sợ bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch đồng thời luật cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ vướng trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.
Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm văn hóa-giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.
Bổ sung quy định về công nghiệp văn hóa
Luật Thủ đô năm 2012 ngoài các quy định chung đã có riêng Điều 11: Bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, các quy định mới chỉ đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng vai trò của “đầu tàu” cả nước.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: Hình thành "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa"; quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc đưa các quy định về văn hóa. Đây là bước tiến lớn so với Luật Thủ đô trước đây.
Ông Sơn khẳng định rằng Dự thảo Luật cần có những cơ chế, chính sách vượt trội để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước. Cụ thể, Thủ đô tập trung vào 2 nhiệm vụ: Một là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, hai là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Thủ đô.
Ông Sơn cũng đề cập đến những điểm nghẽn luật pháp như: Phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản; chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sỹ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu); đầu tư theo phương thức đối tác công-tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa; chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Trao đổi bên lề Quốc hội, ông Sơn cho rằng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới quy định “ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định.” Tuy nhiên, theo ông, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao trùm 12 ngành, trong đó có rất nhiều ngành Hà Nội có ưu thế phát triển như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc... cũng nên được đưa vào danh mục này.
Cùng chung quan điểm, Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng Dự thảo Luật cần thể chế hóa đầy đủ các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Đại biểu Phạm Nam Tiến khuyến nghị Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo các quy định về hạ tầng, không gian văn hóa để phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn trong Chiến lược, gỡ bỏ các “nút thắt” về đầu tư cho văn hóa./.