Luật Nhà giáo: Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, hiện có khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau liên quan đến nhà giáo. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.

Có khoảng 200 văn bản pháp luật liên quan đến nhà giáo

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến giáo dục và đội ngũ nhà giáo, xác định đây là đội ngũ quyết định chất lượng giáo dục và đã có khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo đã được đặt ra hơn 10 năm nay. Từ năm 2020 đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về vấn đề này. Đặc biệt, trong các năm 2022, 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tham mưu cho Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức trên 100 buổi hội nghị, hội thảo, tham vấn khoảng 700.000 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học và xây dựng dự thảo để trình các cấp có thẩm quyền theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

Trong quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuân thủ ý kiến chỉ đạo Chính phủ. Thứ nhất là đánh giá, tổng kết những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo đã ban hành để tìm ra các điểm nghẽn, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng những chính sách mới, khả thi. Thứ hai là học tập kinh nghiệm của quốc tế để xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Thứ ba là đánh giá tác động của các chính sách của của luật khi được ban hành cũng như trong quá trình điều chỉnh. Thứ tư là làm tốt công tác truyền thông cho xã hội, nhận thức đầy đủ về các chính sách để khi xây dựng và ban hành vừa làm tạo sự đồng thuận và chính khách đi vào thực tiễn của cuộc sống, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Luật Nhà giáo là luật khó

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo là rất khó khăn vì đây là bộ luật mới lần đầu tiên được xây dựng. Bên cạnh đó, vì đã có hơn 200 văn bản liên quan đến nhà giáo, liên quan đến nhiều luật khác nhau Luật Công chức, Luật viên chức, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm nên việc xây dựng Luật Nhà giáo phải đảm bảo không chồng chéo, không mâu thuẫn với các nội dung văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Luật Nhà giáo là luật khó xây dựng. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, đối tượng tác động của Luật Nhà giáo rất rộng và đa dạng ở các cấp học, các vùng miền, các loại hình đào tạo khác nhau, các nhà giáo giảng dạy trong các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội khác nhau như các nhà giáo trong lực lượng vũ trang, quân đội, cùng một lúc nhiều vai…

“Vì vậy, Luật Nhà giáo sẽ ban hành những điều cơ bản nhất. Ngoài ra còn phải có các văn bản dưới luật để quy định cụ thể hơn,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay đến thời điểm này, Chính phủ, các cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rất cao với nội dung dự thảo luật, thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật nhà giáo, với quan điểm cốt lõi là xây dựng luật để làm căn cứ pháp lý phát triển đội ngũ nhà giáo và không phân biệt nhà giáo trong và ngoài công lập.

Chính phủ cũng thống nhất cao với ban soạn thảo về 5 chính sách được đề xuất trong dự thảo luật, gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

“Vấn đề là nội hàm của 5 chính sách đó như thế nào để chúng ta đáp ứng được mục đích, yêu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo, để thu hút những học sinh phổ thông mong muốn dự thi được vào sư phạm và trở thành nhà và sau đó tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ để trở thành thầy cô giáo vừa hồng vừa chuyên,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Nêu ví dụ cụ thể về việc Luật Nhà giáo chủ trương việc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề, ông Thưởng khẳng định đây không phải là tạo sức ép về văn bằng chứng với nhà giáo mà là để phát triển nhà giáo. “Một nhà giáo có thể có nhiều văn bằng chứng chỉ, vừa có chứng chỉ dạy ở tiểu học, vừa có chứng chỉ dạy ở trung học, có thể cùng lúc làm nhiều việc nếu đủ năng lực,” ông Thưởng nói.

Ngày 22/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Dự thảo Luật Nhà giáo hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện dự thảo trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt./.