Luật Kinh doanh bảo hiểm: Cân bằng lợi ích giữa các chủ thể

Luật Kinh doanh bảo hiểm đã sửa đổi một số quy định về quyền và nghĩa vụ của cả doanh nghiệp và bên mua bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ thể cân bằng và hợp lý.

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (ngày 16/6/2022) đã tạo ra những thay đổi cơ bản và toàn diện về thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm, ngày 15/9 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm cho biết các nội dung sửa đổi, bổ sung tại luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư nước ngoài được góp tới 100% vốn điều lệ

Nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên được cân bằng và hợp lý, luật đã sửa đổi một số quy định về quyền và nghĩa vụ của cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Thêm vào đó, để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật dân sự, luật lần này đã bổ sung các quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Đặc biệt, luật đã bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng...

Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm, luật cũng chú trọng đến vai trò của các bên liên quan tham gia vào việc phòng, chống gian lận bảo hiểm.

[Hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu kèm sản phẩm]

Trên cơ sở đó, luật đưa ra những quy định phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm và đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm, từ đó nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Cụ thể hơn, ông Huyền cho hay luật đã bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm, bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,...

Luật Kinh doanh bảo hiểm chú trọng đến vai trò của các bên liên quan tham gia vào việc phòng, chống gian lận bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

"Mục đích bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Về giải quyết tranh chấp, luật cũng bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án," ông Huyền nói.

Tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực.

Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, ông Huyền cho hay Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm.

Bãi bỏ một số quy định, cắt giảm thủ tục hành chính

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm giảm thiểu tranh chấp phát sinh, ông Huyền cho biết luật đã sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc, như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Về các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, luật cũng bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Riêng về tổ chức hoạt động, ông Huyền nhấn mạnh luật sửa đổi bãi bỏ quy định phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi,... nhằm cắt giảm thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, quy định mới có bổ sung cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm với các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc, chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, ông Huyền cho hay các sửa đổi, bổ sung của luật sẽ nâng cao yêu cầu về quản lý nhà nước. Cụ thể, luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

"Luật quy định rõ Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam đồng thời thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.,“ ông Huyền nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)