Luật Đấu thầu mới trao quyền nhiều hơn cho giám đốc bệnh viện công lập

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế giao toàn quyền cho giám đốc bệnh viện để đảm bảo tính linh hoạt, tự chủ của các cơ sở y tế công lập.

Nhân viên y tế làm công tác cấp phát thuốc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong quá trình xây dựng Luật, về cơ bản, các cơ quan có liên quan đã nhìn ra các vướng mắc, khó khăn trong vấn đề đấu thầu nói chung và đặc biệt là đấu thầu trong lĩnh vực y tế nói riêng để có hướng giải quyết trong Luật và Nghị định. Trong luật mới trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc bệnh viện công lập trong công tác đấu thầu.

Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có những chia sẻ về vấn đề "gỡ nút thắt" đấu thầu trong lĩnh vực y tế tại Hội nghị giám đốc về Đào tạo - Chỉ đạo tuyến và Đấu thầu được Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức ngày 23/3 tại tỉnh Bắc Ninh.

Tại hội nghị, vấn đề hoàn thiện chính sách để thực hiện Luật đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã được lãnh đạo các bệnh viện và đại biểu tập trung thảo luận.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong đấu thầu

Hiện nay, nhiều bệnh viện công lập vẫn đang diễn ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện chính sách để thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Mặc dù ngày 27/2 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn lựa chọn nhà thầu, song ông Đào Khắc Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho hay hiện các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa thể thực hiện được việc đấu thầu mua sắm thuốc vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Theo ông Hùng, y tế Bắc Ninh gặp khó khăn về đấu thầu giống như ngành y tế trong toàn quốc. Luật Đấu thầu đã có hiệu lực, Nghị định 24 của Chính phủ đã ra đời, tuy nhiên trong Nghị định 24 có nêu: Bộ Y tế có chức năng, nhiệm vụ để hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở y tế trên toàn quốc những nội dung mua sắm cụ thể hơn. Hiện nay, nhiều gói thầu 2023-2024 vẫn còn hiệu lực nên tỉnh vẫn chưa bị thiếu thuốc, vật tư. Ngành y tế Bắc Ninh đang đợi những thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện công tác đấu thầu.

Trong khi chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều lãnh đạo bệnh viện công lập cho hay vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc vật tư, khiến họ chưa dám thực hiện đấu thầu, đặc biệt là trong lĩnh vực về nhãn khoa.

Phó giáo sư Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phó giáo sư Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết đến thời điểm hiện nay các gói thầu cơ bản của bệnh viện đã có kết quả và bệnh viện đã nhận được những vật tư chính để có thể phẫu thuật cho bệnh nhân như phẫu thuật đục thể thủy tinh, phẫu thuật cắt dịch kính. Tuy nhiên, có một số gói thầu không có nhà thầu tham dự hoặc có nhà thầu tham dự nhưng không trúng thầu nên vẫn thiếu vật tư. Thậm chí có hàng hóa sau khi trúng thầu không đảm bảo chất lượng, bệnh viện phải từ chối không nhận để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

“Nghị định 24 có hiệu lực là tin vui cho các bệnh viện khi chúng ta đã có cơ bản các hướng dẫn trong công tác đấu thầu. Chẳng hạn như công tác xây dựng giá, các quy trình, bước để triển khai, Luật đã có rồi, tuy nhiên trong quá trình làm chúng tôi cần có những hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn. Đơn cử như năm nay Luật ra đời cho phép các cơ sở có thể lựa chọn vật tư, thiết bị y tế theo nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ, tuy nhiên, chúng tôi cần hướng dẫn quy định chọn nhóm nước như thế nào và vùng lãnh thổ như thế nào cho phù hợp,” ông Đông chỉ rõ.

Theo Phó giáo sư Đông, đây là một điểm rất quan trọng, bởi một sản phẩm phụ thuộc vào nhà sản xuất rất nhiều, lý do là cùng một sản phẩm với tính năng như vậy có rất nhiều nhà sản xuất thì chất lượng cũng khác nhau.

Đặc biệt, ông Đông cho rằng một điểm rất quan trọng nữa đó là các công cụ hướng dẫn đi theo để triển khai Luật. Chẳng hạn như việc chào hàng cạnh tranh qua mạng, hiện nay hệ thống mạng chưa hoạt động được. Biết rằng chưa thể làm được các việc cùng một lúc, hy vọng cùng với thời gian, các cơ quan chức năng tháo gỡ hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng cho công tác đấu thầu để việc đấu thầu được thuận lợi hơn.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh nhận định Luật đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới về đấu thầu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, góp phần tháo gỡ những nút thắt bấy lâu nay. Tuy nhiên, từ thực tiễn, trong quá trình đấu thầu chắc chắn sẽ còn nhiều điều khó khăn do các bệnh viện vẫn chưa thể hiểu hết các quy định mới.

Ông Tuấn thẳng thắn chỉ ra 3 vấn đề cần các cơ quan chức năng hướng dẫn thêm bằng thông tư, cũng như có biện pháp để hỗ trợ cơ sở y tế thực thi luật đấu thầu mới một cách chính xác, đồng bộ, đặc biệt tránh vấn đề cách hiểu khác nhau về các định nghĩa, thuật ngữ giữa các cơ quan hữu quan khi làm việc với bệnh viện.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Thứ nhất đó là việc cần các thông tư, hướng dẫn về vấn đề chọn nhóm nước, nguồn gốc sản xuất nói chung trong đấu thầu. Theo luật và nghị định hiện tại chúng tôi vẫn chưa thật sự rõ để có thể lựa chọn đúng với quy định và nhu cầu của bác sĩ chuyên môn. Thứ hai là cần có hướng dẫn về những hình thức đấu thầu mới nhưng các bệnh viện chưa có kinh nghiệm, như về đấu thầu trọn gói cung cấp dịch vụ. Với hình thức này, các cơ sở y tế có thể chọn được nhà cung cấp trọn gói về trang thiết bị, hóa chất, tất cả chế độ, vật tư bảo hành đi kèm. Đây là điểm rất hay của luật để tránh phụ thuộc vào nguồn vật tư độc quyền. Tuy nhiên, hiện trên toàn quốc chưa có bệnh viện nào có kinh nghiệm về việc này và cần có hướng dẫn của các bộ ngành,” ông Lê Anh Tuấn phân tích.

Việc thứ ba, theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh đó là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế sau thời gian thực hiện các quy định mới về đấu thầu khoảng 6 tháng hoặc một năm cần có sơ kết, đánh giá, để các đơn vị trình bày khó khăn vướng mắc gặp phải thực tiễn và được hướng dẫn gỡ rối.

Giám đốc bệnh viện sẽ quyết định

Trao đổi để gỡ vướng cho các bệnh viện trong công tác đấu thầu, ông Cương cho hay Luật Đấu thầu sửa đổi lần này phân cấp mạnh hơn luật năm 2013 theo hướng là phân cấp cho các chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm.

“Hiện nay, chúng tôi được biết Bộ Y tế đang dự thảo quyết định phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng: Giám đốc bệnh viện sẽ quyết định tất cả, từ việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả hợp đồng và tất cả những việc xử lý trong đấu thầu liên quan đến dự toán mua sắm, kể cả việc quyết định mua sắm như thế nào là do Giám đốc bệnh viện quyết mà không trình lên Bộ Y tế,” ông Cương cho hay.

Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vị đại diện Cục Quản lý đấu thầu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế giao toàn quyền cho giám đốc bệnh viện để đảm bảo tính linh hoạt, tự chủ của các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, công tác này cần phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước.

Ông Cương cho hay Nghị định số 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu vừa được Chính phủ ban hành có những điểm mới để giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Hiện các chủ đầu tư đã có đủ hành lang pháp lý để thực hiện đấu thầu.

Để công tác đấu thầu được thực hiện dễ dàng và đồng bộ, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng các thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Ông Hoàng Cương cho biết sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành 3 thông tư hướng dẫn về quy trình danh mục đàm phán giá, mua sắm tập trung và đấu thầu thuốc. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ ban hành Chỉ thị về việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong công tác đầu thầu mua sắm.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương về hình thức chào giá trực tuyến rút gọn để mua những mặt hàng tương thích với máy móc hiện có của cơ sở y tế, ông Hoàng Cương thừa nhận Cục Quản lý đấu thầu chưa có phần mềm để phục vụ quy trình chào giá trực tuyến rút gọn. Điều này phần nào cho thấy, hiện nay việc hoàn thiện chính sách còn chậm đã dẫn đến lúng túng trong công tác đấu thầu y tế tại các bệnh viện công lập./.