Long An: Đề án về các khu di tích cần mang tính dân tộc và hiện đại
Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Long An chú ý đến kiến trúc Khu lưu niệm, Nhà lưu niệm các đồng Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân để vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại.
Chiều 26/7, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An cho ý kiến về Đề án Xây dựng Khu lưu niệm, Nhà lưu niệm đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Võ Văn Ngân và tu bổ, nâng cấp Khu Di tích Lịch sử Ngã tư Đức Hòa.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao công tác chuẩn bị, thuyết trình Đề án; đồng thời đề nghị lãnh đạo các sở, ngành Long An chú ý đến kiến trúc khu lưu niệm để vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại.
Đặc biệt, công trình cần có điểm nhấn, có thể ứng dụng công nghệ 3D ở một số hạng mục; kết cấu phải phù hợp, gắn liền với thời điểm lịch sử.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tỉnh quan tâm đến không gian mở để tổ chức các sự kiện, đồng thời có thể nghiên cứu chọn một số hạng mục của Khu Di tích để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Đề án, khu đất lập dự án có tổng diện tích 3,5ha, gồm nhà lưu niệm, nhà trưng bày, mộ đồng chí Võ Văn Ngân, tượng đài đồng chí Võ Văn Tần, hạ tầng và các công trình phụ trợ khác… Tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 112 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong 2 năm 2024-2025.
Hiện tại, Khu lưu niệm đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Võ Văn Ngân chưa được Đảng, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng. Ngôi nhà, khu vườn đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Võ Văn Ngân được sinh ra và lớn lên cũng không còn.
Tại huyện Đức Hòa, chỉ còn Di tích Ngã tư Đức Hòa và Di tích Nhà ông Bộ Thỏ là nơi lưu giữ những di tích gốc và địa điểm lịch sử gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của hai đồng chí.
Khu vực Ngã tư Đức Hòa là nơi đã diễn ra 2 sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương. Vào ngày 4/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư liên tỉnh Gia Định-Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh Quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp. Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác đã hy sinh.
[Mở rộng quy mô tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo]
Ngã tư Đức Hòa cũng là nơi xử bắn các chiến sỹ tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1941. Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 1570-VH/QĐ công nhận Khu vực Ngã tư Đức Hòa là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được tiếp thu những ý kiến của Đoàn công tác và cho biết sẽ chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện Đề án đúng theo quy định pháp luật, sớm thực hiện khi được Ban Bí thư thống nhất thông qua.
Việc xây dựng Nhà lưu niệm, Khu lưu niệm đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Võ Văn Ngân tại Di tích Ngã Tư Đức Hòa là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước, nhân dân, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta đối với những công lao của hai đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.
Công trình có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhân dân, khích lệ, động viên các thế hệ hôm nay và mai sau vững bước tiến lên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.