"Lợi nhuận ngân hàng tăng nhưng sẽ phân hóa mạnh ở những tháng cuối năm"
Các chuyên gia cho rằng lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh với những ngân hàng thuộc tốp đầu, những ngân hàng nhỏ hơn phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu.
Các ngân hàng trên sàn chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Theo số liệu thống kê, tổng lợi nhuận sau thuế kỳ này của 28 ngân hàng 76.164 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 5% so với cùng kỳ.
Lãi từ kinh doanh ngoại hối
Giữ vững ngôi vị “quán quân,” Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng nếu so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà nhà băng này đặt ra ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, thì nửa đầu năm mới thực hiện được gần 50%. Dẫu vậy, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.
Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý 2/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2024 là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank là 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ.
Tiếp đến là BIDV, trong 3 tháng gần nhất, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng là 6.534 tỷ đồng, tăng tương ứng 18%. Đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của BIDV.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế 15.549 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi sau thuế của ngân hàng này đạt 12.450 tỷ đồng.
VietinBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 với 6.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận VietinBank đạt gần 13.000 tỷ đồng, lọt tốp 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn ngành.
Trong kỳ, các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng hơn 20%, lãi thuần từ dịch vụ tăng 5,7% và từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ 0,8%.
Một số ngân hàng khác như ACB đạt gần 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. MB báo lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 7.633 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, MB đạt hơn 13.400 tỷ đồng trước thuế, tăng 5,4%.
Tuy nhiên so với mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024 đặt ra thì các ngân hàng cũng chỉ mới thực hiện được non nửa.
Theo báo cáo của các ngân hàng, bBên cạnh nguồn thu từ hoạt động chính tăng khi tín dụng đi lên từ quý 2, đặc biệt là trong tháng 6 thì thu nhập phí đã trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận của nhiều ngân hàng, với yếu tố đóng góp chính là mảng kinh doanh ngoại hối.
Điển hình tại BIDV, đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho BIDV khoản lãi thuần lên đến 1.726 tỷ đồng, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế nửa đầu năm nay, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tại nhà băng này đạt 3.191 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Techcombank, mảng kinh doanh ngoại hối đã chuyển từ lỗ sang lãi. Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý 2/2024 đạt hơn 411 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Tính chung nửa đầu năm 2024, mảng dịch vụ này mang về cho Techcombank trên 955 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 240 tỷ đồng.
Tương tự, bên cạnh tăng trưởng từ thu nhập lãi thuần nhờ sự hồi phục của nền kinh tế, LPBank cũng ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ đạt 866 tỷ đồng trong quý 2/2024, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối cao gấp 2,3 lần.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank chia sẻ lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh nhờ các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Bên cạnh đó, LPBank tích cực đồng hành cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp dẫn tới thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng.
Bên cạnh một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 2, một số ngân hàng lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Điển hình, BaoVietBank vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 với lợi nhuận trước thuế đạt 17,5 tỷ đồng, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2023; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 25,79 tỷ đồng, tăng 4,42% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận 6 tháng của PGBank cũng đi lùi khi chỉ đạt gần 268 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ, bằng 48% kế hoạch năm đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2023). Riêng quý 2, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng nhẹ 0,6% so với quý 2/2023, đạt 151 tỷ đồng.
Vẫn có tín hiệu khả quan
Tín dụng cải thiện được cho là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý 2 cũng như nửa đầu năm. Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận ngành Ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Dù gặp không ít thách thức nhưng vẫn có những yếu tố giúp lợi nhuận của Ngành khả quan hơn.
Trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều thách thức với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, VDSC kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ đạt 18% so với cùng kỳ, với thu nhập lãi tăng trưởng 19%.
Còn Công ty VPBankS cũng dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng niêm yết năm 2024 sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia của SSI cho rằng lợi nhuận của ngành Ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ rệt khi chứng kiến những ngân hàng ghi nhận mức tăng lợi nhuận lên tới 60% so với cùng kỳ nhưng cũng có những ngân hàng mức tăng trưởng chỉ ở mức một con số, thậm chí có lợi nhuận đi lùi.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 có tăng trưởng nhưng khó có thể kỳ vọng tăng đột biến. Bên cạnh đó lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh với những ngân hàng thuộc tốp đầu, những ngân hàng nhỏ hơn phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu./.