Logistics là giải pháp cấp bách nâng cao năng lực cạnh tranh cho vùng ĐBSCL

Các nhà khoa học cho rằng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics được xác định là một trong những giải pháp đột phá đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.

Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có diện tích 147 ha, chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670m. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý cùng hạ tầng giao thông kết nối, Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu xác định phát triển lĩnh vực logistics là một giải pháp cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả vùng. Theo đó, mục tiêu đặt ra là phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics gắn với hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, tăng cường kết nối vùng.

Lợi thế phát triển logistics

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành chiếm 13% diện tích và 18% dân số cả nước, là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm, thủy sản, trái cây… Do vậy, nhu cầu logistics của vùng là rất lớn với vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước bình quân 6-7%/năm, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm thời kỳ 2021-2030).

Với ưu thế 32 km bờ biển cùng hệ thống sông ngòi kênh rạch dày đặc, tỉnh Tiền Giang được coi là cửa ngõ giao thương quan trọng nối liền các khu vực miền Tây với các tỉnh, thành trong cả nước và thị trường quốc tế, giúp tỉnh phát triển dịch vụ logistics khá thuận lợi.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang Lưu Văn Phi, hiện tỉnh có khoảng 250 doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu. Các sản phẩm xuất xứ từ Tiền Giang được xuất khẩu đến hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt gần 5 tỷ USD, tăng 11,27% và đạt 99,5% so với kế hoạch năm, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 77,62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (may mặc, kim loại thường, giày),…

Thực tế, để thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, trong đó đặc biệt chú trọng vào chuyển đổi số trong quản lý hệ thống kho, bến, bãi. Chính quyền tỉnh cũng cam kết ưu tiên ngân sách để dẫn dắt, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào hạ tầng logistics, tập trung vào các trung tâm chế biến nông sản và logistics thế hệ mới áp dụng công nghệ 4.0 nhằm gia tăng giá trị dịch vụ, đồng thời giảm chi phí vận chuyển.

Nằm ở vị trí đầu mối giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An hiện có hệ thống cảng quy mô lớn, định hướng trở thành trung tâm logistics của vùng. Trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Long An xem logistics là ngành kinh tế quan trọng. Mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.

Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có diện tích 147 ha, chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670m. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo các chuyên gia kinh tế, tỉnh Long An có nhiều lợi thế để phát triển logistics. Nhiều dự án trọng điểm, mang tính liên kết vùng trên địa bàn đã và đang triển khai, như đường Vành đai thành phố Tân An, ĐT 830, ĐT 830E, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức-Long Thành…

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn cho biết tỉnh gấp rút thực hiện hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm, các công trình mang tính đột phá cũng như công tác bảo trì đường bộ, đường thủy.

Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh quy hoạch hai cảng cạn gồm Cảng cạn Bến Lức có diện tích 10-15 ha, năng lực thông qua 150.000 teu/năm và Cảng cạn Tân Lập, huyện Thủ Thừa có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 teu/năm; hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường cũng như nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa.

Đồng bộ hệ thống logistics

Các nhà khoa học cho rằng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics được xác định là một trong những giải pháp đột phá đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.

Là lĩnh vực không thể thiếu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, do đó định hướng phát triển lĩnh vực logistics cần bám sát quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, vùng, địa phương, các ngành; đặc biệt là các xu thế kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế.

Từ đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, các công trình có tính lan tỏa, hoàn thiện kết nối giao thông, trước hết là hệ thống đường bộ cao tốc để tạo kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế… Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và lĩnh vực để phát triển hạ tầng giao thông vận tải, phát triển ngành dịch vụ logistics.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Võ Thị Phương Lan cho rằng tỉnh Tiền Giang nên ưu tiên phát triển hệ thống đường thủy nội địa liên thông kết nối với hệ thống đường thủy đường bộ cảng hàng không, phát triển hệ thống trung tâm logistics và kết nối vận tải đa phương thức. Ngoài ra, nên phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics, trong đó chú trọng đặc biệt phát triển các công ty hoạt động thực tế trên địa bàn; thúc đẩy việc thành lập Hội Logistics Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng,…

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển.

Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) hiện lắp đặt 6 thiết bị cẩu STS, 18 cẩu RTG. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, tỉnh Tiền Giang cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ ở cả cấp quản lý và doanh nghiệp. Khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

Tại tỉnh Long An, thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng thêm hơn 50 và xây mới 29 tuyến ĐT. Trong số này có nhiều trục đường giữ vai trò động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực trung chuyển hàng hóa, kết nối những khu vực kinh tế trọng điểm. Điển hình là đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây-Lương Hòa-Bình Chánh, đường Tân Tập-Long Hậu…

Thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Giao thông Vận tải được Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An giao nhiệm vụ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho chủ trương hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững hệ thống logistics./.