Lo ngại về kinh tế Mỹ kéo giá dầu thế giới giảm tuần thứ 2 liên tiếp

Giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm tuần thứ 2 liên tiếp, riêng dầu Brent ghi nhận 4 tháng lao dốc liên tiếp do dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và sự bất định về các đợt nâng lãi suất tiếp theo.

Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù đảo chiều đi lên trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, song đà giảm trước đó đã khiến giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, do dữ liệu kinh tế Mỹ gây thất vọng và sự bất định về các đợt nâng lãi suất tiếp theo gây áp lực lên triển vọng nhu cầu.

Xu hướng trồi sụt bất nhất diễn ra trong các phiên giao dịch đầu tuần này. Giá dầu đi lên phiên "mở màn" tuần mới (ngày 24/4), do các nhà đầu tư lạc quan rằng hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những kỳ vọng này nhanh chóng bị lấn át bởi lo ngại về khả năng kinh tế giảm tốc và đồng USD mạnh lên, khiến giá dầu quay đầu giảm 2% xuống mức thấp nhất tháng này trong phiên giao dịch liền sau đó.

Ngay cả sau báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, giá dầu vẫn tiếp tục nới rộng đà giảm trong phiên tiếp theo, trước khi phục hồi vào phiên cuối tuần (ngày 28/4).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4, giá dầu Brent giao tháng 6/2023 tăng 1,13 USD (1,49%), lên 79,50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 2,02 USD (tương đương 2,7%) lên 76,78 USD/thùng.

[Giá dầu thế giới tăng trở lại nhờ các hoạt động mua vào sau đợt giảm]

Như vậy, giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm tuần thứ 2 liên tiếp, và riêng dầu Brent thì ghi nhận 4 tháng lao dốc liên tiếp do dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và sự bất định về các đợt nâng lãi suất tiếp theo gây áp lực lên triển vọng nhu cầu năng lượng.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, nhận định: "Thị trường đã giảm trong phần lớn số phiên giao dịch trong tuần do lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra và sự lan rộng cuộc khủng hoảng ngân hàng với vụ việc của First Republic Bank. Tuy nhiên, hôm nay có thông tin cho thấy có thể có một giải pháp cho vấn đề của First Republic, và có dữ liệu cho thấy nhu cầu dầu tăng và sản lượng giảm."

Các quan chức Mỹ đang hợp tác tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp để giải cứu First Republic Bank, vì các nỗ lực của khu vực tư nhân do các cố vấn ngân hàng dẫn đầu vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Các nguồn tin thân cận cho biết Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nằm trong số các cơ quan chính phủ bắt đầu tổ chức các cuộc họp với các công ty tài chính về giải pháp cho First Republic Bank.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô tại Mỹ đã sụt giảm trong tháng 2/2023, xuống 12,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng lên gần 20 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ không thay đổi trong tuần này, ở mức 591 giản, nhưng đã giảm 1 giàn trong tháng Tư, ghi nhận tháng giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Giá dầu thô đã giảm trong những tuần gần đây và nhiều tháng nay do sự bất định về khả năng nâng lãi suất thêm nữa có thể làm giảm nhu cầu dầu.

Tính trong cả tuần qua, hợp đồng dầu Brent giảm 2,6% và hợp đồng dầu WTI mất 1,4%. Còn tính trong cả tháng Tư, dầu Brent mất 0,3%, còn dầu WTI tăng 1,5% sau khi giảm trong 5 tháng trước đó.

Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ không thay đổi trong tháng Ba, nhưng áp lực lạm phát mạnh mẽ có thể khiến Fed nâng lãi suất một lân nữa vào tuần tới để làm chậm lạm phát, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)