Lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Tín hiệu khởi sắc ngay những tháng đầu năm
Xuất khẩu tăng cùng với lượng vốn FDI thực hiện đạt 2,17 tỷ USD... đã cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc trong những tháng đầu năm, đặc biệt nhóm công nghiệp chế biến tăng ở mức 2 con số, sẽ là tiền đề nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024.
Nhiều ngành tăng trưởng 2 con số
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%) mặc dù số ngày làm việc ít hơn do Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng 02/2024.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp khi tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,9%), đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong hai tháng đầu tiên của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, đơn cử, sản xuất hóa chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%....
Trong hai tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng ở 56/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, đơn cử như: Bắc Giang tăng 29%; Phú Thọ tăng 27,6%; Hà Nam tăng 22,2%; Thanh Hóa và Quảng Ngãi cùng tăng 22,1%; Bình Phước tăng 20%; Kiên Giang tăng 19,7%; Tây Ninh tăng 16,9%.
Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong hai tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 29%; thép cán tăng 24,1%; sơn hóa học tăng 22,4%; đường kính tăng 21,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,8%; thép thanh, thép góc tăng 18,6%; sữa bột tăng 15,3%; điện sản xuất tăng 12,1%.
Thực tế, việc xuất khẩu tăng cao đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất, giải phóng áp lực hàng tồn kho của nhiều ngành hàng chủ lực. Ghi nhận cho thấy nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, ví dụ như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giầy dép tăng 18,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 15%...
Tính chung 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 94% và tăng 22,2%, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tới 47%; tăng gần 25%, cùng với lượng vốn FDI thực hiện trong lĩnh vực chế biến, chế tạo trong hai tháng đầu năm đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn FDI thực hiện cả nước (2,8 tỷ USD)... đã cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024.
Tạo đột phá trong chuỗi cung ứng
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quốc tế. Do độ mở kinh tế lớn, sản xuất hàng hóa chủ yếu phục vụ xuất khẩu, do vậy việc thúc đẩy sản xuất nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước) sẽ có sức lan tỏa rất lớn cho việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến cho biết doanh nghiệp đã xác định và sẵn sàng tâm thế vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng thời xây dựng các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận phấn đấu vượt so với năm ngoái.
“Tổng Công ty đưa ra những giải pháp, chiến lược linh hoạt trong công tác điều hành, tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Trong những ngày đầu Xuân, người lao động đã phấn khởi quay trở lại doanh nghiệp làm việc đông đủ với tinh thần khí thế quyết tâm cao,” ông Bùi Văn Tiến cho hay.
Đánh giá về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong thời gian vừa qua, nhiều lĩnh vực và ngành nghề của Việt Nam đã có sự kết nối nguồn nguyên nhiên vật liệu trong nước để thay thế nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu. Do đó, lượng nhập khẩu giảm đi nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đáp ứng được.
“Nếu tiếp tục duy trì được việc này thì hoàn toàn có thể tự tin rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt hơn trong tương lai,” ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Trong năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...với thương mại)…
Vì vậy, để tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đang quyết liệt triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, khuyến khích các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để hướng dẫn xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực của địa phương, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời định hướng cho việc sản xuất Xanh, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, giúp doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu../.