Liên minh châu Âu tham vọng trở thành hình mẫu toàn cầu về kinh tế tuần hoàn
Đạo luật Kinh tế Tuần hoàn sẽ đặt mục tiêu nhân đôi tỷ lệ vật liệu tái chế được sử dụng trong nền kinh tế châu Âu vào năm 2030, qua đó khẳng định vai trò dẫn dắt của EU trong kinh tế tuần hoàn.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố loạt sáng kiến chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, chuẩn bị cho việc ban hành Đạo luật Kinh tế Tuần hoàn dự kiến vào năm 2026.
Động thái này được xem là nỗ lực toàn diện nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành hình mẫu toàn cầu trong lĩnh vực tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất nguyên vật liệu.
Theo kế hoạch, Đạo luật Kinh tế Tuần hoàn sẽ đặt mục tiêu nhân đôi tỷ lệ vật liệu tái chế được sử dụng trong nền kinh tế châu Âu vào năm 2030, qua đó khẳng định vai trò dẫn dắt của EU trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Văn kiện này cũng nhằm hỗ trợ triển khai các mục tiêu đã đề ra trong "La bàn Cạnh tranh" và "Thỏa thuận Công nghiệp Sạch," đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô, yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu đối mặt với rủi ro về giá cả và nguồn cung.
Trong khuôn khổ các sáng kiến mới, một đối thoại chiến lược cấp cao đã được tổ chức với sự tham gia của các bên liên quan nhằm trao đổi về tầm nhìn và hành động trong lĩnh vực tuần hoàn.
Các sáng kiến nổi bật gồm việc ban hành quy tắc về vận chuyển chất thải và tiến hành đánh giá Chỉ thị về Thiết bị Điện và Điện tử thải (WEEE). Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ sớm công bố các quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả tái chế và thu hồi vật liệu từ pin thải trong vài ngày tới.
Đáng chú ý, Ủy ban châu Âu sẽ triển khai hệ thống vận chuyển chất thải kỹ thuật số. Hệ thống này sẽ thay thế hoàn toàn quy trình giấy tờ thủ công bằng quy trình kỹ thuật số từ ngày 21/5/2026, giúp giảm gánh nặng hành chính, hợp lý hóa việc vận chuyển chất thải xuyên biên giới trong thị trường chung EU, đồng thời nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và hạn chế các chuyến hàng bất hợp pháp.
Cùng với đó, Ủy ban châu Âu đã khởi động một cuộc tham vấn cộng đồng nhằm hài hòa hóa quy định liên quan đến vận chuyển một số loại chất thải trong "danh mục xanh." Cuộc tham vấn sẽ kéo dài đến hết ngày 31/10/2025.
Trong báo cáo đánh giá Chỉ thị WEEE vừa được công bố, Ủy ban châu Âu đã chỉ ra những thách thức lớn trong quản lý chất thải điện tử (e-waste). Gần 50% tổng số e-waste vẫn chưa được thu gom, và tỷ lệ tái chế còn thấp hơn mục tiêu đề ra ở các quốc gia thành viên EU. E-waste là một trong những dòng chất thải tăng nhanh nhất châu Âu, với mức tăng khoảng 2% hàng năm.
Những phản hồi từ cuộc đối thoại, các cuộc tham vấn và kết quả đánh giá Chỉ thị WEEE sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban châu Âu xây dựng Đạo luật Kinh tế Tuần hoàn, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi của EU.
Theo Ủy ban châu Âu, kinh tế tuần hoàn không chỉ là giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là chiến lược kinh tế hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất tại EU hiện phải chi trung bình gấp đôi cho vật liệu so với chi phí lao động hoặc năng lượng. Việc tăng cường tái chế, tái sử dụng và thiết kế sản phẩm bền vững sẽ giúp giảm chi phí vận hành và tăng khả năng chống chịu với biến động thị trường nguyên liệu.
Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn còn góp phần quan trọng trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Ước tính, các giải pháp tuần hoàn có thể giúp cắt giảm từ 20% đến 25% lượng khí thải nhà kính cần thiết để đạt được cam kết này, qua đó trở thành một trụ cột không thể thiếu trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của EU./.