Liên hợp quốc: Iraq có nguy cơ bị kéo sâu hơn vào xung đột Israel-Hamas
Theo đại diện Liên hợp quốc, bất chấp nỗ lực của Chính phủ Iraq, các vụ tấn công liên tục bắt nguồn từ bên trong và bên ngoài biên giới Iraq sẽ hủy hoại sự ổn định mà nước này khó khăn mới có được.
Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) ngày 20/1 cảnh báo rằng Iraq có nguy cơ bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột Israel-Palestine, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực Trung Đông.
Trong một tuyên bố, Đại diện đặc biệt Tổng thư ký Liên hợp quốc về Iraq, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, đã nhấn mạnh Trung Đông đang ở thời điểm nguy hiểm, khi xung đột ngày càng leo thang ở Dải Gaza và các hoạt động vũ trang ở những nơi khác đe dọa dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực.
Theo bà Hennis-Plasschaert, bất chấp nỗ lực của chính phủ Iraq nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng, các vụ tấn công liên tục bắt nguồn từ bên trong và bên ngoài biên giới Iraq sẽ hủy hoại sự ổn định mà nước này khó khăn mới có được cũng như những thành tựu mà Iraq đã đạt được trong những năm gần đây.
Bà Hennis-Plasschaert cho biết Liên hợp quốc đang tập trung vào việc chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza và tránh để xung đột lan rộng trong khu vực. Theo đó, sự ổn định và an ninh của Iraq là vấn đề quan trọng nhất trong mọi cam kết của UNAMI. Liên hợp quốc cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa.
Tuyên bố của bà Hennis-Plasschaert được đưa ra trong bối cảnh các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria gần đây trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng dân quân người Shiite có vũ trang như một phần của các biện pháp trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột hiện nay với phong trào Hamas ở Dải Gaza.
Các cuộc tấn công liên tục của lực lượng dân quân người Shiite ở Iraq đã khiến lực lượng Mỹ đáp trả bằng cách tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các vị trí của lực lượng bán quân sự Hashd Shaabi của Iraq, khiến hàng chục tay súng thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Cũng trong ngày 20/1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 20/1 đã thảo luận với những người đồng cấp Italy và Na Uy về tình hình nhân đạo tồi tệ ở Dải Gaza và nỗ lực nhằm làm giảm leo thang và ngăn xung đột mở rộng ra toàn khu vực.
Trong một cuộc điện đàm, ông Shoukry và người đồng cấp Italy Antonio Tajani đã đánh giá những diễn biến mới nhất trong khu vực, đặc biệt là vào thời điểm khi Italy bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Nhóm G7 và trước chuyến thăm sắp tới của ông Tajani tới khu vực.
Hai bên đã bàn thảo các biện pháp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt là tình trạng an ninh và nhân đạo đang ngày càng xấu đi ở Dải Gaza. Ông Tajani đánh giá cao Cairo vì vai trò then chốt của nước này trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển viện trợ nhân đạo của Italy tới Gaza.
Về phần mình, ông Shoukry nhấn mạnh rằng việc đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức ở Gaza vẫn là giải pháp duy nhất, để chấm dứt khủng hoảng và giảm leo thang bạo lực trong khu vực.
Ông cũng kêu gọi trách nhiệm chính trị và đạo đức của các bên quốc tế chủ chốt, đặc biệt là Nhóm G7, trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn, phù hợp với nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, để cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận đầy đủ tới Dải Gaza và ngăn chặn mọi nỗ lực của Israel nhằm trục xuất người Palestine ra khỏi vùng đất của mình.
Ngoài ra, hai ngoại trưởng đã đề cập đến những diễn biến ở Liban và tình hình an ninh hàng hải ở Biển Đỏ, nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực khu vực và quốc tế để ngăn chặn xung đột mở rộng.
Cùng ngày, trong một cuộc điện đàm khác, ông Shoukry và Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide đã thảo luận về những nỗ lực nhằm thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2720 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, về việc tạo điều kiện, điều phối và giám sát quá trình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác giữa Ai Cập và Na Uy để huy động thêm hỗ trợ nhân đạo quốc tế cho dải đất đang bị phong tỏa của Palestine./.